Tái cơ cấu Vinashin

19/11/2010 23:58 GMT+7

Tập đoàn công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) sẽ được cơ cấu lại theo phương án nào, các khoản nợ sẽ được giải quyết ra sao…? Các vấn đề này đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và lãnh đạo Vinashin thông tin tại cuộc họp báo hôm qua 19.11.

Giữ lại 43 đầu mối

Theo đề án Tái cấu trúc tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18.11, Vinashin sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chính là công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp, công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển, đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ công nhân công nghiệp tàu biển. Thời gian tái cơ cấu từ năm 2011-2013.

Cụ thể, Vinashin sẽ chỉ giữ lại 43 đầu mối lớn gồm 1 công ty mẹ, 19 công ty con, 22 “công ty cháu” và 1 công ty liên kết. Tổng tài sản dự kiến là 68.243 tỉ đồng, tổng nợ phải trả là 53.054 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu thực có 9.615 tỉ đồng (vốn điều lệ theo đăng ký kinh doanh hiện tại là 14.655 tỉ đồng).

 
 Chính phủ đang nỗ lực vực dậy Vinashin với phương án cơ cấu tinh gọn, tập trung vào các lĩnh vực chính (trong ảnh: Một góc nhà máy đóng tàu của Vinashin) - Ảnh: Mai Hà

Tuy nhiên, con số nợ 53.054 tỉ đồng này chỉ xuất hiện sau khi bàn giao cho Tổng công ty (TCT) Hàng hải (Vinalines) và Tập đoàn Dầu khí (chuyển nợ sang hơn 10.000 tỉ đồng - PV) và sắp xếp, thu gọn được 216 đầu mối doanh nghiệp (DN) với nguyên giá 23.187 tỉ đồng (số nợ phải trả của các DN này).

Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Vinashin, lạc quan khẳng định, trong số 216 DN buộc phải giảm này, có rất nhiều dự án có tiềm năng, trường hợp tốt nhất nếu tập đoàn bán được giá ngang giá đầu tư ban đầu, số nợ còn lại là trên 40.150 tỉ đồng/14.655 tỉ đồng vốn điều lệ. “Tỷ lệ nợ/vốn điều lệ là 2,8 lần, hoàn toàn nằm trong kiểm soát”, ông Sự khẳng định.

Vinashin đi vay sẽ phải tự trả

Trả lời câu hỏi làm thế nào để trả nợ, ông Sự cho biết có 2 giải pháp: Các con tàu vẫn đang đóng dù chưa có lãi nhưng nếu đóng tàu đúng tiến độ sẽ có lãi, đây là nguồn khấu hao để trả nợ. “Sở dĩ thời gian trước, Vinashin lỗ nặng do các dự án đóng tàu bị chậm trễ, lại phải gánh lãi ngân hàng phát sinh”, ông Sự nói. Ngoài ra, trong số 43 đầu mối được giữ lại sau tái cơ cấu, có 3 TCT và 10 công ty TNHH một thành viên 100% vốn tập đoàn, theo lộ trình trong năm 2011 sẽ cổ phần hóa thu hồi vốn về trả nợ. Nhưng lộ trình này theo ông Sự, không thể làm ngay vì phải tìm người mua.

Liên quan đến khoản nợ 60 triệu USD sẽ phải trả vào tháng 12 tới đây, ông Sự thừa nhận đây là khoản nợ với tổ hợp các nhà cho vay, khoản đầu tiên đến hạn là ngày 20.12. “Nhưng do khó khăn nên chúng tôi đã gặp gỡ với đầu mối Credit

Suisse, họ yêu cầu tập đoàn gửi các thông tin liên quan đến tái cơ cấu và trả nợ của Vinashin như thế nào, chúng tôi đã cung cấp. Vinashin đề nghị giãn, lùi thời gian trả nợ thêm 1 năm, Credit Suisse đồng ý nhưng yêu cầu soạn thảo thư chính thức cho tổ hợp các chủ nợ này”, ông Sự cho biết.

Về khoản nợ 86.565 tỉ đồng của Vinashin đã đầu tư vào 289 công ty con của tập đoàn, vào các con tàu, dự án đang dở dang, ông Sự nói: “Vinashin đã vay sẽ phải trả bằng các biện pháp như tái cơ cấu, tổ chức, bán các dự án, cổ phần hóa, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thêm các con tàu, có khấu hao, có lãi để trả nợ… Vinashin là người đi vay thì sẽ phải trả”.

Theo ông Sự, Vinashin chủ trương tập trung tài chính các công ty con về tập đoàn để tính toán trả nợ, tránh chồng chéo, vì nếu các công ty con tự thu tự trả sẽ không hiệu quả. Các chủ nợ của công ty con, “công ty cháu” sẽ gặp trực tiếp tập đoàn để xử lý.

Về khoản nợ lương công nhân hơn 100 tỉ đồng, ông Sự cho biết tập đoàn đã có văn bản đề nghị Chính phủ và Bộ LĐ-TB-XH cho vay - trích từ quỹ của bộ này - để trả hết nợ lương cho công nhân vào cuối năm 2010.

Bộ chủ quản được tăng quyền

Thừa nhận là Bộ chủ quản nhưng không nắm được đầy đủ thông tin và giám sát đầy đủ được hoạt động của Vinashin trong mấy năm qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng nói: “Thú thực cách tiếp cận, nắm vấn đề thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu với tập đoàn của Bộ có hạn chế, chủ yếu là cho ý kiến, góp ý các vấn đề mà Hội đồng quản trị Vinashin trình Thủ tướng, cùng với các bộ khác tham gia giám sát đầu tư của Vinashin”.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, sau vụ việc Vinashin, Chính phủ đã có chỉ đạo các cơ quan xem xét để có điều chỉnh thích hợp, mục tiêu đảm bảo cho được quyền chủ động, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nhưng tăng cường hơn quản lý nhà nước. “Trong đề án tái cơ cấu, vai trò Bộ GTVT được quy định cụ thể hơn, Bộ không chỉ cho ý kiến, góp ý kiến mà được chủ trì, thẩm định và trình Chính phủ toàn bộ các vấn đề lớn như quy hoạch, mục tiêu phát triển, tổ chức cán bộ. Trong các văn bản tới, Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh làm rõ trách nhiệm quản lý của các bộ ngành với Vinashin”, ông Dũng nói.

Ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp T.Ư khẳng định, sau bài học Vinashin, công tác quản lý, giám sát đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ được chấn chỉnh chặt chẽ, hoàn thiện vai trò chủ sở hữu với các tập đoàn nhà nước. Ông Muôn cũng thông tin, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành xem điều gì cần hoàn thiện phải hoàn thiện. Trong khi chờ sửa đổi các quy định, Thủ tướng yêu cầu tất cả các tập đoàn khi vay vốn nước ngoài phải có đồng ý của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Ngoài ra, các DN này khi góp vốn vào DN khác phải đúng lĩnh vực, đúng ngành nghề, phải được chấp thuận của Bộ quản lý ngành. “Các quy định này sẽ được áp dụng với tất cả các tổng công ty 91, các tập đoàn, công ty được tự chủ kinh doanh, không để có Vinashin thứ hai”, ông Muôn nhấn mạnh.

Nợ thực của Vinashin là bao nhiêu?

Theo ông Nguyễn Ngọc Sự, thông tin số nợ 96.000 tỉ đồng của Vinashin theo báo cáo chưa đầy đủ của Công ty kiểm toán KPMG là chưa chính xác. “Trước khi trình đề án tái cấu trúc, chúng tôi đã mời KPMG cùng 15 đoàn công tác rà soát công nợ, thời điểm này con số chính thức là 86.565 tỉ đồng. Vốn điều lệ Vinashin theo giấy phép kinh doanh là 14.655 tỉ đồng, hiện tại đã có hơn 9.000 tỉ đồng. Để tập đoàn kinh tế lớn hoạt động thì đây là số vốn nhỏ. Vinashin đang xây dựng lộ trình tăng vốn điều lệ báo cáo Bộ Tài chính và Bộ GTVT, sớm cấp vốn điều lệ bằng vốn kinh doanh”, ông Sự nói.

Tiếp tục giao tàu theo hợp đồng

Theo Vinashin, số hợp đồng đóng tàu còn hiệu lực là 130 tàu, tổng giá trị 2,1 tỉ USD, với 57 tàu xuất khẩu và 73 tàu bán trong nước. Tính đến 18.11, đã bàn giao cho 36 chủ tàu với giá trị hợp đồng là 280,6 triệu USD. Từ nay đến hết tháng 12.2010 sẽ bàn giao ít nhất 21 tàu, với 7 tàu xuất khẩu trị giá 79,6 triệu USD và 14 tàu trong nước trị giá 213 triệu USD. Cả năm 2010, ít nhất sẽ bàn giao dược 57 tàu, tổng giá trị hợp đồng là 573 triệu USD. Dự kiến năm 2011 sẽ bàn giao được 75 tàu với tổng doanh thu 15.616 tỉ đồng.

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về việc Vinashin bán tàu lỗ hay lãi, ông Nguyễn Ngọc Sự nói, các con tàu bàn giao được theo nguyên tắc bán càng sớm càng tốt. Mục tiêu cố gắng thu hồi vốn, vì càng để lâu sẽ càng phải gánh thêm lãi suất tăng, cộng vào giá thành đóng tàu sẽ cao hơn giá bán thị trường. Nhưng lỗ hay lãi phụ thuộc vào đàm phán.

Vinalines được gần 1.500 tỉ đồng doanh thu

Tại cuộc họp báo, ông Dương Chí Dũng, Chủ tịch HĐTV Vinalines, xác nhận: “Trong 26 tàu tiếp nhận từ Vinashin, Vinalines đã đưa vào hoạt động 23 tàu, tháng 12 đưa vào tiếp 3 tàu trong đó có tàu Hoa Sen. Trước đây tàu Hoa Sen do Vinashin khai thác tuyến Bắc-Nam nhưng không hiệu quả nên dừng hoạt động. Chúng tôi đã nỗ lực đàm phán với 3 khách hàng nước ngoài, đã chốt chọn 1 khách hàng có kinh nghiệm, từ ngày 15 -18.12 bàn giao tàu đưa vào hoạt động. Các tàu khác hoạt động có doanh thu, tổng doanh thu đội tàu đạt gần 1.500 tỉ đồng, chiết khấu hao, có phần dư trả nợ. Gần 1.500 cán bộ chuyển về Vinalines đều có việc làm và được giải quyết lương nợ.

Trong số 27 tàu Vinashin đang đóng dở do khách hàng rút đơn hoặc không thực hiện, Vinalines đã cáng đáng hộ 20 con tàu nặng, còn lại 7 tàu nhỏ không đáng kể. Ngoài ra còn ký hợp đồng đóng thêm 2 tàu 47.500 và 3 tàu 22.500 DWT”.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.