Tại sao các nhà đầu tư lo ngại về cuộc khủng hoảng của Ý?

31/05/2018 17:24 GMT+7

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ý đang khiến các nhà đầu tư toàn cầu hoảng sợ.

Theo CNN, thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc vào hôm 29.5 và các nhà đầu tư yêu cầu lợi nhuận cao hơn để bù đắp rủi ro nợ chính phủ Ý gia tăng. Chỉ số chứng khoán tại Ý mở rộng mức lỗ trong tuần, giảm thêm 3%. Các ngân hàng nước này bị ảnh hưởng nặng nề nhất, một số cổ phiếu ngân hàng giảm hơn 5%.
Giới đầu tư lo lắng rằng tình trạng hỗn loạn chính trị ở Ý có thể gây ra tổn thương bên ngoài biên giới nước này. Số nợ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp tăng vọt, trong khi đó chứng khoán Mỹ cũng đang trên đà giảm.
Ý chuẩn bị tiến tới cuộc bầu cử mới khi các chính trị gia dân túy thất bại trong việc thành lập chính phủ. Các bên cấp tiến có thể đạt được nhiều lợi thế hơn và giới đầu tư lo ngại rằng đợt bỏ phiếu này thực tế sẽ trở thành cuộc trưng cầu dân ý về đồng tiền chung euro. Một số nhà quan sát thị trường cho rằng cuối cùng Ý có thể sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), một kịch bản mà họ đã đặt tên là “Italexit” hoặc “Quitaly”.
Mối đe dọa lan truyền
Rủi ro lớn là các chính trị gia Ý sẽ ngừng theo quy tắc của đồng euro hoặc thậm chí có thể tìm cách rời khỏi loại tiền tệ này. Đồng euro giảm 1% so với đồng USD hôm 29.5, sự phản ánh khá rõ ràng về mối quan tâm của các nhà đầu tư.
“Cuộc khủng hoảng đồng euro là trường hợp xấu nhất”, Florian Hense, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Berenberg, nhận xét.
Ý là nền kinh tế lớn thứ ba EU, chiếm 15% GDP của khu vực đồng euro. Con số này lớn hơn rất nhiều so với Hy Lạp, nguồn gốc gây ra cuộc khủng hoảng gần đây nhất tại khu vực.
“Trong trường hợp không chắc chắn Italexit sẽ xảy ra, sự tăng trưởng khu vực đồng euro bên ngoài nước Ý có thể sẽ bị ngưng lại trong vài quý, trong khi các cơ quan chức năng triển khai công cụ để ngăn chặn rủi ro lan truyền”, Holger Schmieding, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Berenberg, nói.
Nhiều năm trì trệ và thiếu cải cách đã đẩy khoản nợ của chính phủ Ý lên trên 2.000 tỉ euro (khoảng 2.300 tỉ USD), tương đương với hơn 130% sản lượng kinh tế hằng năm. Đó là mức công nợ cao thứ ba trên thế giới sau Nhật Bản và Hy Lạp.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s cảnh báo họ có thể sẽ cắt giảm xếp hạng tín dụng của Ý, bởi vì kế hoạch chi tiêu của các nhà dân túy đã làm suy yếu vị thế tài chính và trì hoãn nỗ lực cải cách kinh tế.
Phần lớn nợ chính phủ Ý thuộc sở hữu của người Ý, nhưng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có phần không nhỏ, cùng với các ngân hàng và nhà đầu tư ở Pháp, Đức và Tây Ban Nha.
Tương lai bất định
Những người theo chủ nghĩa dân túy Ý có thể lùi lại trong các cuộc nói chuyện có liên quan đến tổ chức trưng cầu dân ý về đồng euro hoặc việc Ý rời khỏi EU.
“Nhiều cử tri, ngay cả khi họ rất không hài lòng với hiện trạng, họ vẫn không thực sự muốn rời khỏi đồng euro”, ông Schmieding cho biết.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư có lý do để lo lắng về một khu vực đã nhiều lần bị tổn thương bởi khủng hoảng nợ. Một số cổ phiếu ngân hàng đã giảm khoảng 6% ở Tây Ban Nha, quốc gia cũng đang phải đối mặt với những rắc rối chính trị riêng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.