Tại sao nhà đầu tư 'sợ' Trung Quốc?

15/08/2015 09:27 GMT+7

(TNO) Vượt qua giá dầu, đồng đô la Mỹ mạnh, bất ổn ở Hy Lạp hay khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Trung Quốc có vẻ là lý do khiến giới đầu tư thế giới bận tâm hơn.

(TNO) Vượt qua giá dầu, đồng đô la Mỹ mạnh, bất ổn ở Hy Lạp hay khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Trung Quốc có vẻ là lý do khiến giới đầu tư thế giới bận tâm hơn, theo CNN.

Có nhiều lý do khiến giới đầu tư lo ngại về Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Gần đây, nhiều "cơn ác mộng" ở Phố Wall dường như luôn liên quan đến những gì xảy ra ở Trung Quốc.
Mối lo ngại về Đại lục lớn hơn trong tuần này, khi thế giới sốc trước động thái phá giá đồng nhân dân tệ của Bắc Kinh. Trước vụ phá giá, Trung Quốc đã khiến nhà đầu tư thế giới e ngại khi can thiệp mạnh tay vào thị trường chứng khoán đang đi xuống của nước này hồi tháng 7.
Theo CNN, có nhiều lý do khiến giới đầu tư lo ngại về yếu tố Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc hắt hơi, thế giới sẽ bị cảm lạnh
Lý do lớn nhất giải thích cho mối lo ngại về Trung Quốc là kích thước. Không như Hy Lạp hay Puerto Rico, quy mô của Trung Quốc có khả năng tác động đến toàn cầu.
Nước này hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vượt qua Nhật Bản và Đức trong những năm gần đây. Đại lục còn là nước tiêu thụ nguyên liệu thô như dầu và đồng - các loại hàng hóa có giá cả đi xuống trong nhiều tuần qua. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sụt giảm mạnh có thể kéo giá hàng hóa giảm tiếp, gây ra vấn đề tài chính rất lớn với các nước dựa vào tài nguyên thiên nhiên.
Ed Yardeni, chủ tịch tư vấn đầu tư của hãng tư vấn Yardeni Research viết: “Giá hàng hóa giảm có thể dẫn tới cuộc khủng hoảng nợ ở vài nơi trên thế giới. Bất ổn kinh tế Trung Quốc đủ sức để kích hoạt khủng hoảng toàn cầu”.
“Cỗ máy” tăng trưởng kinh tế
15 năm qua, Trung Quốc đã là yếu tố quan trọng trong tăng trưởng kinh tế thế giới. Song tăng trưởng kinh tế của quốc gia châu Á đang giảm, từ 10% trong năm 2010 xuống còn 7% trong nửa đầu năm nay.
Sam Stovall, giám đốc chiến lược đầu tư tại hãng thông tin tài chính S&P Capital IQ nói: “Giới đầu tư tìm đến Trung Quốc vì sức tăng trưởng kinh tế kỳ diệu này, khi mọi thứ được nhân lên gấp 3 lần những gì họ thấy ở các nước khác”.
Việc Trung Quốc can thiệp sâu vào thị trường chứng khoán gây ngạc nhiên cho giới đầu tư phương Tây - Ảnh: Reuters
Động thái phá giá ảnh hưởng đến đồng đô la
USD mạnh lên là tin tốt với du khách Mỹ muốn đi du lịch nước ngoài, nhưng sẽ là một vấn đề không nhỏ với các công ty Mỹ vì hàng xuất khẩu của họ sẽ đắt đỏ hơn. USD tăng giá khi Trung Quốc quyết định phá giá đồng tiền. Đó là lý do vì sao chứng khoán Mỹ giảm mạnh đầu tuần này trước các động thái bất ngờ của Trung Quốc.
“Xuất khẩu” giảm phát đến Mỹ
Tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc đang gây áp lực giảm giá tại đây. Hiện có lo ngại cho rằng tình trạng giảm phát - một vấn đề không dễ giải quyết - có thể lan từ Trung Quốc đến các nước khác. Nếu có dấu hiệu giảm phát ở Mỹ, Fed có thể trì hoãn hoặc cân nhắc lại mức tăng lãi suất trong năm nay.
“Lạm phát là chuyện còn thiếu ở Mỹ khi nó vẫn chưa đạt đến mức mà Fed mong muốn”, Nicholas Colas, giám đốc chiến lược thị trường tại hãng môi giới ConvergEx nói.
Nhà đầu tư không tin tưởng Trung Quốc
Đối với giới đầu tư, Trung Quốc có nhiều bí ẩn vì nhiều người trong số họ tin rằng số liệu thống kê chính thức của Bắc Kinh đang bị biến dạng, nhằm cho ra cái nhìn lạc quan hơn về nền kinh tế thực.
Gần đây, Trung Quốc lại có thêm hai động thái không giúp ích gì cho việc giải quyết vấn đề niềm tin trên. Trước sự ngạc nhiên của giới đầu tư phương Tây, chính phủ Trung Quốc góp phần bơm lên bong bóng thị trường chứng khoán, rồi sau đó can thiệp mạnh mẽ khi thị trường lao dốc. Sau sự can thiệp này chính là động thái phá giá nhân dân tệ.
Ngân hàng Merrill Lynch thuộc Bank of America nhận định: “Dù các chương trình chi tiêu và cắt giảm lãi suất có thể giúp ích phần nào, niềm tin vào tính hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ của Trung Quốc đang suy yếu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.