Tăng trưởng của Việt Nam vẫn còn lệ thuộc nước ngoài

Nguyên Nga
Nguyên Nga
02/11/2018 17:49 GMT+7

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đưa ra nhận xét trên tại Hội nghị đầu tư 2018 do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức tại TP.HCM hôm nay (2.11) với chủ đề “Kinh tế 4.0: Từ tiến hóa đến cách mạng”.

Chúng ta cùng “cựa quậy” để đi lên
Dẫn các số liệu tăng trưởng của Việt Nam từ năm 2010 đến nay, TS Trần Đình Thiên nhận định: Mức tăng trưởng 3 quý vừa qua tốt nhưng không giống chu kỳ của 7 năm trước là cứ quý 1 thấp nhất, quý 2 và 3 thường sẽ tăng cao và đến quý 4 tăng mạnh về đích. Năm nay, quý 1 GDP lên đến 7,45%, sang quý 2 6,73% và quý 3 là 6,88%. “Nguyên nhân là do Việt Nam ảnh hưởng trong cấu trúc tăng trưởng từ các động thái trên thế giới. Tuy nhiên, có dấu hiệu tốt cho thấy, từ khai thác tài nguyên để tăng trưởng sẽ chuyển qua tăng trưởng nhờ khu vực công nghiệp chế biến chế tạo và chủ yếu tập trung khu vực kinh tế tư nhân”, ông Trần Đình Thiên nhận định và dẫn chứng sau 30 năm đổi mới, ngành công nghiệp ô tô bắt đầu khởi sắc, một số dấu hiệu cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân trong nước tuy còn yếu nhưng bắt đầu vượt lên.
Chỉ ra xu hướng tăng trưởng tốt, song ông Thiên cũng cảnh báo thực lực Việt Nam đang “có vấn đề”. Đó là tái cơ cấu quá chậm, doanh nghiệp vẫn đối diện nhiều thủ tục trói buộc trong cơ chế trì trệ, lực lượng lao động Việt yếu. Đặc biệt, nến kinh tế lâu nay quá lệ thuộc vào nước ngoài từ đầu tư lẫn thương mại khiến các “đầu tàu” tư nhân trong nước tăng trưởng thiếu động lực. “Như vậy, Việt Nam sẽ rơi vào thế lưỡng nan nếu không có cuộc cải cách mạnh mẽ hơn nữa trong kỷ nguyên số này”, ông Thiên kết luận và nói đùa chúng ta hãy cùng “cựa quậy” để cải cách và đi lên.
Cơ hội xây dựng “hub” trong khu vực
Nằm trong chủ đề hội nghị, từ tiến hóa đến cách mạng, “anh cả” trong làng start-up, ông Đỗ Hoài Nam, đồng sáng lập Up Co-working Space, nhà sáng lập Emotiv System tại Mỹ (phát minh máy đọc não người tại thung lũng Silicon - Mỹ năm 2003 - PV) tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội không nhỏ để phát triển công nghệ thông tin.
Ông Đỗ Hoài Nam chia sẻ cơ hội xây dựng "hub" trong khu vực của Việt Nam Nguyên Tuyển
Ông Nam nói, các công ty công nghệ của Trung Quốc nhờ chính sách “bế quan tỏa cảng” đã có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong vòng 10-15 năm và tạo được loạt tên tuổi trong ngành công nghệ như Baidu, Alibaba, Huawei... có thể làm đối trọng với các ông lớn công nghệ đến từ châu Âu và Mỹ. Cho rằng, xu hướng là máy móc đang học cách suy nghĩ của con người, tự đoán được suy nghĩ của con người chứ không cần con người ra lệnh như trước nữa, ông Nam nói: “Tôi không nghĩ Trung Quốc làm được thì các nước nhỏ bên ngoài không thể làm được. Việt Nam có lượng dân số đủ lớn để phát triển những công ty công nghệ thông tin tương tự, đủ để làm giàu được. Chúng ta không có thị trường tỉ dân nhưng chúng ta có thể liên kết với các “hub” (trung tâm) trong khu vực và hiện châu Á đang có sự cạnh tranh dữ dội để phát triển các “hub” công nghệ. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam xây dựng thành một “hub” trong khu vực”.
Tuy nhiên, ông Nam cũng nhấn mạnh ngành công nghệ thông tin Việt có cơ hội lớn song còn “lơ mơ”. Hiện tại, chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực AI (trí tuệ nhân tạo) còn rất ít, ngay các công ty công nghệ cũng chưa khai thác hay nói đúng hơn là chưa nhận thức được cơ hội lớn này. “Chúng ta đang dừng ở việc cỗ vũ phong trào. Để nền kinh tế số cho mọi thành phần kinh tế có thể tham gia và tăng trưởng, chúng ta cần giải được bài toán: Số lượng và chất lượng dữ liệu của AI”, ông Nam nhấn mạnh.

Ông Đỗ Hoài Nam: Năm 2003 cùng bạn bè lập Công ty Emotiv Systems với sản phẩm máy đo bộ não người tại Mỹ. Đến năm 2010, công ty đạt doanh thu trên 10 triệu USD và có 20.000 doanh nghiệp trên toàn cầu là khách hàng. Đặc biệt, bộ phim Avatar nổi tiếng thế giới cũng sử dụng bộ đọc não của Emotiv để đo cảm xúc người xem thử trước khi công chiếu trên toàn cầu.

Năm 2012, ông Đỗ Hoài Nam rời Emotiv System, thành lập Công ty See Space với sản phẩm chủ lực là thiết bị kết nối giữa người xem ti vi với ti vi với tên gọi InAir. Người xem có thể dùng điều khiển đề bấm tìm thêm thông tin sâu hơn ngay trên màn hình ti vi…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.