Tăng trưởng VN kém Campuchia, Lào và Myanmar

11/06/2015 23:07 GMT+7

(TNO) Ngân hàng Thế giới (WB) hôm nay 11.4 công bố báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, theo đó, dự báo tăng trưởng của VN đều đứng sau các nước Campuchia, Lào và Myanmar.

(TNO) Ngân hàng Thế giới (WB) hôm nay 11.4 công bố báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, theo đó, dự báo tăng trưởng của VN đều đứng sau các nước Campuchia, Lào và Myanmar.

Cụ thể, WB dự báo tăng trưởng GDP của VN ở mức 6% trong năm nay, tăng lên 6,2% vào năm 2016 và 6,5% vào 2017. Trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, mức tăng trưởng GDP của VN là trung bình, khi cao hơn một số quốc gia như Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, Thái Lan nhưng thấp hơn Trung Quốc, Philippines… Tuy nhiên, có một điều dễ dàng nhận thấy trong dự báo của WB, tăng trưởng kinh tế VN từ nay đến năm 2017 ở mức cải thiện rõ rệt. Trong khi một số quốc gia, tăng trưởng cao trong năm 2015 nhưng lại giảm dần trong hai năm tiếp theo, như trường hợp của Philippines, Trung Quốc.

Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế VN được dự báo thấp hơn Campuchia, Lào và Myanmar. Cụ thể tăng trưởng của Campuchia trong năm hai năm 2015 và 2016 đạt 6,9%; 2017 đạt 6,8%. Lào từ 6,4% trong năm nay tăng lên 7% hai năm tiếp theo. Myanmar đạt mức 8,5% trong năm 2015; dự báo 8,2% và 8% trong hai năm tiếp theo.
WB cho rằng các nước đang phát triển đang đối mặt với một loạt các thách thức nghiêm trọng trong năm 2015 như chi phí vốn vay đe dọa sẽ tăng trong khi giá dầu và giá hàng hóa sắp bước vào một đợt suy giảm mới. Đây là năm thứ 4 liên tiếp tăng trưởng kinh tế toàn cầu gây thất vọng. Hệ quả là các nước đang phát triển dự báo tăng trưởng 4,4% năm nay, có khả năng tăng lên 5,2% năm 2016 và 5,4% năm 2017.
“Các nước đang phát triển từng là cỗ máy thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu sau thời kỳ khủng hoảng, nhưng nay đang phải đối mặt với một môi trường kinh tế khó khăn hơn”, ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB phát biểu.
Tăng trưởng kinh tế của Mỹ luôn tác động đến các nước trên thế giới. Lãi suất tại Mỹ dự đoán sẽ tăng làm cho vốn vay càng trở nên đắt đỏ hơn đối với các nước mới nổi và các nước đang phát triển trong vài tháng tới.
“Nền tảng kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển một cách chậm chạp, nhưng chắc chắn. Năm nay Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng 7,5% và đây sẽ là năm đầu tiên Ấn Độ dẫn đầu các nền kinh tế lớn trên biểu đồ tăng trưởng của WB. Khoảng tối còn lại trên bức tranh tăng trưởng đó chính là khả năng nâng lãi suất tại Mỹ sớm muộn sẽ xảy ra. Điều này sẽ hạn chế luồng vốn và làm tăng chi phí vốn vay”, ông Kaushik Basu, chuyên gia Kinh tế trưởng, Phó chủ tịch cao cấp WB phân tích.
Qua đó, theo ông Ayhan Kose, Giám đốc Viễn cảnh Phát triển của WB, nếu các thị trường mới nổi không thực hiện các chính sách cẩn trọng nhằm đối phó tốt với bất ổn tài chính và bất ổn từ bên ngoài thì họ sẽ gặp khó khăn đáng kể khi phải đối phó với cơn bão thắt chặt chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các hệ quả đi kèm khác.
Nhiều nước đang phát triển phụ thuộc nặng vào xuất khẩu hàng hóa vì vậy giảm giá dầu và các mặt hàng chiến lược càng làm chậm lại tốc độ tăng trưởng của các nước này. Tuy các nước nhập hàng hóa được hưởng lợi từ lạm phát thấp, áp lực tài khóa thấp, và chi phí nhập khẩu thấp, nhưng giá dầu thấp cũng chỉ góp phần tăng cường mức độ hoạt động kinh tế một cách chậm chạp do nhiều nước bị thiếu điện, dịch vụ giao thông, tưới tiêu và các dịch vụ hạ tầng cơ bản khác một cách triền miên.
Một kết quả phân tích đặc biệt trong báo cáo cho thấy các nước thu nhập thấp, trong đó nhiều nước phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa và đầu tư, rất dễ bị tổn thương trong điều kiện hiện nay. Khi giá hàng hóa tăng mạnh trong những năm 2000 các nền kinh tế này đã phát triển mạnh nhờ khai thác kim loại, khoáng chất, đầu tư vào khai thác tài nguyên và tăng cường xuất khẩu.
Nhưng viễn cảnh giá hàng hóa thấp còn kéo dài có lẽ sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách phải chuyển hướng từ dựa trên sản xuất kim loại và khoáng chất sang các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng khác. Vì vậy cần ưu tiên các chính sách tạo khoảng đệm để có thể chuyển hướng và thực hiện cải cách nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong các ngành phi tài nguyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.