Táo Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam

13/10/2014 09:00 GMT+7

Mặc cho những thông tin cảnh báo về mức độ mất an toàn, độc hại của táo Trung Quố c nhưng gần đây mỗi ngày vẫn có hàng trăm tấn táo siêu rẻ từ bên kia biên giới đổ bộ vào Việt Nam...


Chợ táo Kim Hà (Hà Khẩu, Trung Quốc) - Ảnh: Hải Bình


Bốc dỡ táo Trung Quốc tại bãi xe cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai)

Sau nhiều ngày lân la ở chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), tôi bắt mối được với người phụ nữ tên Hương, sẵn sàng đưa tôi sang chợ hoa quả Trung Quốc (TQ). Đó là chợ hoa quả Kim Hà, thuộc thị trấn Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam), nằm lọt thỏm bên trong khu tập thể 4 tầng cách cửa khẩu Lào Cai chừng 3 km. Khi chúng tôi đến, thấy có nhiều loại được bán tại đây như lựu, hồng, cam, nhưng nhiều nhất vẫn là táo. Đang giữa mùa táo, nhìn đâu cũng thấy táo.

“Mua để bán thì được, đừng ăn nhé”

 

Kiểm dịch ngày có ngày không, kiểm tra lấy lệ thôi. Cô sợ thì giấy tờ kiểm dịch, hải quan, thuế má, tôi lo cho, từ A - Z, chỉ mất 200.000 đồng/xe

Hòa, một đầu nậu chuyên đánh hàng nông sản ở Lào Cai

Dừng lại một ki ốt, cô bán hàng có tên A Mai đon đả chào mời bằng giọng tiếng Việt ngọng líu ngọng lơ: “Mua li, mua li. Rẻ lắm à. Chỉ có 7 tồng thôi à. Việt Nam (VN) thích loại này à”. Vừa nói, A Mai vừa cúi xuống bóc quả táo đẹp mã nhất ra khỏi túi xốp dúi vào tay chúng tôi tiếp thị. Chưa kịp nhẩm tính ra tiền Việt, một chị lái buôn người Việt ngang qua rỉ tai nói nhỏ: “Dân buôn bên này nói thách lắm đấy. Trả 1/2 thôi”. Nghe thế, A Mai xua tay: “Không bán đâu”. Ghé hàng bên cạnh, tôi chủ động hỏi giá loại táo hồng to, đẹp, giống táo bán ở các chợ Hà Nội. Bà chủ A Séng phát giá 6,7 tệ/kg (khoảng 20.000 đồng). Bà Hương can: “Mua để bán thì được, chứ đừng ăn nhé, táo tẩy bột đá đấy, độc hại lắm. Loại này chỉ được cái đẹp mã, lại giống hàng xịn, để 2 - 3 tháng không hỏng nên chả sợ ế”. Tôi nghe xong phát hoảng. Theo lời bà Hương, chỗ buôn bán thân tình, chính chủ buôn TQ dặn không nên ăn loại táo tẩy, chỉ nên ăn loại táo đỏ sẫm, lẫn xanh. Hỏi táo trồng ở vùng nào, các chủ buôn TQ đều lắc đầu. Thế nhưng khi hỏi làm thế nào để vỏ táo có màu đẹp, A Séng lại khá rành: “Khi quả còn nhỏ, người ta bọc vào túi ni lông có tẩm hóa chất vừa diệt sâu bọ, vừa tạo màu đẹp cho quả táo. Từ màu nguyên bản xanh, đỏ thẫm, người ta còn tạo được màu hồng nhạt, hồng đậm, màu vàng, còn có loại vỏ sọc hồng nền vàng”.

Kết thúc buổi chợ, cánh lái buôn Việt í ới gọi xe bốc hàng về cửa khẩu. Người ít vài tạ, người nhiều vài chục tấn. Ai cũng hỉ hả vì mua được mẻ táo giá hời. Táo xanh (táo bia) 1,8 tệ/kg (6.000 đồng); táo xanh pha đỏ giá 3,3 tệ (giá 12.000 đồng/kg); táo hồng 4,5 tệ (15.000 đồng/kg). “Bỏ 1 vốn, bán 4 lời. Loại này mà bán lẻ ở các tỉnh rẻ cũng 40.000 - 50.000 đồng/kg”, bà Hương mách.    

“Cô sợ thì giấy tờ kiểm dịch, hải quan... tôi lo cho từ A - Z”

 

Phát hiện độc chất thì lô hàng đã tiêu thụ hết

Theo ông Nguyễn Văn Tuân, mẫu “có vấn đề” gửi đi Hà Nội kiểm tra, 5 ngày sau mới có kết quả. “Lúc đó, kết quả chỉ mang tính chất cảnh báo, truy xuất nguồn gốc cho những lô hàng sau. Còn lô hàng đó không thể thu hồi vì đã được giải phóng ra thị trường”, ông Tuân nói và thừa nhận công tác kiểm dịch tại cửa khẩu còn nhiều hạn chế. Trình độ của một số cán bộ thiếu kinh nghiệm, khả năng phân tích, giám định của cán bộ kỹ thuật chưa cao. Bên cạnh đó, thời gian làm việc tại cửa khẩu kéo dài từ 7 đến 22 giờ hằng ngày và không có ngày nghỉ trong tuần nên khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp nhân lực làm việc.

Sau khi đóng hàng, từ chợ Kim Hà, từng đoàn xe kéo lũ lượt chở nông sản quay lại biên giới. Tại đây, các cửu vạn thay mặt cho chủ buôn làm thủ tục chuyển hàng qua biên giới. Việc vận chuyển hàng hóa qua đường tiểu ngạch nhanh đến mức, chủ hàng còn chưa kịp ăn xong bát phở, đầu dây bên kia cửu vạn đã báo hàng về đến bãi.

Tại cửa khẩu Lào Cai, từ khoảng 8 đến 11 giờ ngày 1.10, ngoài một chiếc bàn của lực lượng hải quan, chúng tôi không thấy bóng lực lượng kiểm dịch tại đây. Tất cả xe chở nông sản sau khi qua biên giới đều được tập kết trước bàn hải quan, nhưng không phải chịu kiểm tra, kiểm soát. Chủ hàng hoặc cửu vạn chỉ việc khai vào bảng kê hàng hóa trao đổi, mua bán giữa cư dân hai biên giới trong danh mục miễn thuế rồi nộp cho cán bộ hải quan. Hoàn toàn không có sự đối chiếu thực tế hàng hóa với khai báo trên bản kê. Tất cả diễn ra nhanh gọn chưa đến 1 phút. 

Những ngày ở Lào Cai, tôi còn được cánh xe ôm mách nước, muốn đánh hoa quả phải đến bãi xe cửa khẩu Kim Thành, cách cửa khẩu quốc tế Lào Cai 2 km. Từ 2 năm nay, nơi đây là trạm trung chuyển hoa quả từ TQ đi khắp cả nước. Nằm trên bãi đất rộng, trong khu cửa khẩu Kim Thành, bãi xe lúc nào cũng mù mịt khói bụi vì có hàng trăm lượt xe tải biển số VN, TQ nườm nượp vào đây bốc dỡ hàng. Ông Định, một đầu nậu táo ở Lào Cai, khoe: “Bây giờ không cần phải sang TQ đánh hàng làm gì. Cần số lượng bao nhiêu, cứ bảo anh, a lô sang cho chủ hàng là có ngay. Giá cả khỏi phải nghĩ. Cô mua ở chợ… đủ giá, còn ở đây đổ đồng chưa đến 10.000 đồng/kg”. Hỏi ông Định về nguồn gốc xuất xứ, ông chủ này cười khẩy: “Ở đây buôn bán trao tay, mỗi ngày tôi xuất hơn 100 tấn táo đi các tỉnh… Ai cũng biết đây là hàng TQ thì còn thắc mắc về nguồn gốc làm gì”.

Và cũng giống ở cửa khẩu quốc tế Lào Cai, từ khoảng 8 giờ 30 đến hơn 12 giờ ngày 2.10, có mặt tại Kim Thành tôi không thấy bóng lực lượng kiểm dịch đi lấy mẫu. Đem thắc mắc này hỏi, bà Hòa, một đầu nậu chuyên đánh hàng nông sản, cho hay: “Kiểm dịch ngày có ngày không, kiểm tra lấy lệ thôi. Cô sợ thì giấy tờ kiểm dịch, hải quan, thuế má, tôi lo cho, từ A - Z, chỉ mất 200.000 đồng/xe”.

Đều đạt ngưỡng an toàn ?

 

Giá táo tăng theo cấp số nhân

Theo số liệu của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch vùng VIII (Lào Cai), chỉ riêng trong quý 3, tổng cộng số nông sản nhập vào VN là 23.752 tấn. Trong đó, táo tươi TQ nhập vào VN 56 lô, tương ứng hơn 1.585 tấn, lê tươi 724 tấn, nho 1.716 tấn... Khảo sát của chúng tôi cho thấy, trong khi loại táo Fuji hồng bán tại chợ Kim Hà giá 20.000 đồng/kg, thì tại chợ Cốc Lếu (Lào Cai) là 45.000 đồng/kg; chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) 520.000 đồng/thùng (10 kg), tương đương 52.000 đồng/kg; chợ Kim Liên 85.000 đồng/kg.

Sau một ngày ở bãi hàng, tôi ghé qua Trạm kiểm dịch Kim Thành khi đã xế chiều. Phòng kiểm dịch rộng rãi, được trang bị máy móc khá hiện đại. Bà Nhung, phụ trách trạm kiểm dịch, giới thiệu các mẫu nông sản đã được lấy kiểm dịch chứa trong 3 tủ bảo quản, gồm các loại nông sản: táo, lê, nho, hồng, cà chua, khoai tây…

Quan sát các túi mẫu, tôi nhận thấy chỉ ghi 3 ngày lấy mẫu 23.9, 26.9 và 1.10. Đáng chú ý, có mẫu nho lấy ngày 26.9, thuộc lô hàng 40 tấn của Công ty Thùy Linh, bên trong cuống mốc mọc thành chùm, quả lấm tấm mốc đen. Tuy nhiên, bà Nhung quả quyết mẫu đạt chuẩn và “đây là mẫu lưu chưa kịp hủy”.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai, khẳng định các doanh nghiệp nhập trái cây bắt buộc phải làm thủ tục kiểm dịch thực vật. Khi hàng đảm bảo không có dịch hại, hóa chất độc hại, phía hải quan mới cho lô hàng thông quan, còn ngược lại sẽ yêu cầu tái xuất. Cũng theo ông Hùng, chưa có lô hàng trái cây, trong đó có táo bị trả về, tất cả đều an toàn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch vùng VIII (Lào Cai), cho hay theo quy định thông thường chỉ lấy mẫu tối đa 10% số lô hàng để kiểm định. “Với các testkit kiểm tra nhanh ở cửa khẩu chỉ có thể phát hiện mang tính định tính, còn định lượng nồng độ hóa chất tồn dư bao nhiêu trong quả táo thì chịu. Mẫu nào có dư lượng sẽ được chuyển phát nhanh về Hà Nội kiểm tra. 9 tháng đầu năm, kiểm tra các mẫu táo về mặt ngoại quan đạt yêu cầu. Kiểm tra đều an toàn. Chỉ có duy nhất mẫu nho lấy từ lô hàng 10 tấn có dư lượng vượt ngưỡng bị đưa vào diện kiểm tra chặt”, ông Tuân cho hay.

Hải Bình

Đón đọc số báo ngày mai: Biến thành táo Mỹ

>> Bó tay với hàng Trung Quốc nhiễm độc
>> Hàng Trung Quốc tràn ngập hội chợ hàng Việt
>> Hàng Trung Quốc bủa vây người tiêu dùng
>> Hàng Trung Quốc bủa vây người tiêu dùng - Kỳ 2: Người Việt hại người Việt
>> Hàng Trung Quốc bủa vây người tiêu dùng - Kỳ 3: Phải kiểm soát nhập khẩu hiệu quả

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.