Tàu cá vỏ thép mới đóng đã hư hỏng: Phải khởi tố hành vi gian dối

Tàu cá vỏ thép mới đóng và đưa vào sử dụng đã hư hỏng, thậm chí phát hiện máy móc, thép sử dụng đóng tàu không đúng cam kết... không chỉ là chuyện diễn ra ở Bình Định.

Tuy nhiên đến nay giải pháp mạnh nhất đối với các cơ sở đóng tàu gian dối, trốn tránh việc khắc phục mới chỉ là chuẩn bị khởi kiện ra tòa.
Yêu cầu Công an tỉnh vào cuộc điều tra 2 cơ sở đóng tàu
Đăng kiểm là khâu không thể tách rời trong quy trình đóng mới tàu cá, nên để xảy ra sự việc tàu cá hư hỏng, thiệt hại cho ngư dân thì trung tâm đăng kiểm tàu cá phải có trách nhiệm. Còn xác định trách nhiệm đến đâu, xử lý ra sao thì phải chờ báo cáo chính thức của tổ giám sát độc lập và báo cáo chính thức của các địa phương có tàu cá bị hư hỏng
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản
Chiều 27.6, UBND H.Phù Cát (Bình Định) đã mời 2 ngư dân Mai Văn Chương (ở xã Cát Hải, chủ tàu BĐ 99179 TS) và Trần Minh Vương (ở xã Cát Tiến, chủ tàu BĐ 99027 TS) có tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014 NĐ-CP bị kém chất lượng đến làm việc với TAND huyện này để nghe hướng dẫn các thủ tục pháp lý khởi kiện công ty đóng tàu, đòi quyền lợi. Hai tàu cá này đều đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định).
Cũng trong chiều 27.6, ông Chương và ông Vương đã được BIDV chi nhánh Phú Tài (ngân hàng cho vay vốn đóng tàu vỏ thép) cung cấp thông báo có chữ ký của ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, gửi các cơ quan chức năng của tỉnh về việc khắc phục tàu cá vỏ thép đóng bị hỏng. Ông Lê Bá Duy, Phó giám đốc BIDV chi nhánh Phú Tài, cho biết Công ty Đại Nguyên Dương có gửi văn bản nói trên bằng email. Do phía công ty cho rằng không thể liên hệ được với các chủ tàu nên ông Duy đã chủ động thông báo cho các chủ tàu biết.
Theo đó, Công ty Đại Nguyên Dương thừa nhận đã đóng 5 tàu cá vỏ thép tại tỉnh Bình Định đều gặp sự cố hỏng hóc. Ngày 6.6, lãnh đạo công ty với các chủ tàu và các bên liên quan đã thống nhất phương án đưa các tàu vỏ thép hư hỏng ra khu công nghiệp Âu thuyền Thọ Quang (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) để sửa chữa, bảo hành. Dù đã thống nhất hợp đồng, có bảng thống kê chi tiết kèm theo nhưng các chủ tàu không thực hiện vì chờ ý kiến của UBND tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, cuối văn bản, công ty này lại đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Định chỉ đạo, đôn đốc các ngư dân đưa tàu ra Công ty TNHH Đại Nguyên Dương ở Nam Định để tiến hành xác định các lỗi hỏng hóc, sự cố của tàu và khắc phục trong phạm vi trách nhiệm bảo hành.
Ông Vương và ông Chương cho biết sẽ không đồng ý ra Nam Định, nếu sửa chữa tàu thì phải thực hiện tại Đà Nẵng. “Nếu Công ty Đại Nguyên Dương làm việc thỏa đáng thì thôi, nếu không thì chúng tôi phải khởi kiện để đòi quyền lợi chính đáng”, ông Vương nói.
Tại H.Phù Mỹ cũng có 3 tàu vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng bị sự cố hỏng hóc. Chiều 27.6, ông Hà Ngọc Tân, Phó chủ tịch UBND H.Phù Mỹ, cũng đã làm việc với cơ quan pháp lý để tìm hướng giúp ngư dân kiện Công ty Đại Nguyên Dương ra tòa. Sáng 28.6, chính quyền sẽ mời ngư dân làm việc cùng hội luật gia, tư pháp để nghe ý kiến.
Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết cách đây hơn nửa tháng, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản yêu cầu công an tỉnh vào cuộc điều tra cả 2 cơ sở đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương. Sau đó, lãnh đạo Công ty Nam Triệu thường xuyên hợp tác với tỉnh, tích cực khắc phục sự cố và đã đặt máy mới thay thế các máy dỏm cho tàu vỏ thép. Còn Công ty Đại Nguyên Dương không hợp tác... “Rất nhiều lần địa phương mời Công ty Đại Nguyên Dương đến làm việc cũng như tham dự các cuộc họp nhưng họ không vào và luôn né trách nhiệm. Đây là lý do UBND tỉnh Bình Định đề nghị ngư dân khởi kiện công ty này trước”, ông Châu cho biết.
Trách nhiệm của đăng kiểm, giám sát
Trao đổi với Thanh Niên chiều 27.6, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết Bộ đã gửi văn bản đến tất cả các tỉnh, thành ven biển, yêu cầu tổng rà soát toàn bộ tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014-NĐ/CP để đánh giá thực trạng hoạt động, chất lượng của các phương tiện.
Ông Tám cho rằng, đăng kiểm là khâu không thể tách rời trong quy trình đóng mới tàu cá, nên để xảy ra sự việc tàu cá hư hỏng, thiệt hại cho ngư dân thì trung tâm đăng kiểm tàu cá phải có trách nhiệm. Còn xác định trách nhiệm đến đâu, xử lý ra sao thì phải chờ báo cáo chính thức của tổ giám sát độc lập và báo cáo chính thức của các địa phương có tàu cá bị hư hỏng. “Bộ NN-PTNT cũng đã yêu cầu lãnh đạo trung tâm kiểm định tàu cá rà soát toàn bộ quy trình giám sát và tiến hành các bước kiểm điểm trách nhiệm rõ ràng, cụ thể. Quan điểm của Bộ là sai sót đến đâu sẽ xử lý nghiêm đến đấy và công bố công khai”, ông Tám nói.
Cũng theo ông Vũ Văn Tám, Tổng cục Thủy sản đang cho tổng hợp thông tin từ các địa phương để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30.6 liên quan đến các vụ tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 bị hư hỏng.
Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM), đây là vi phạm có tính toán từ trước khi thực hiện đóng tàu bằng vật liệu không đúng theo hợp đồng. Về ý thức chủ quan, bên đóng tàu hiểu được việc sai vật liệu sẽ gây hậu quả nhưng quyết tâm thực hiện đến cùng hành vi gian dối nhằm trục lợi. Hậu quả đã xảy ra khi tàu không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến việc đánh bắt, kinh doanh và có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của ngư dân nếu tàu hoạt động ngoài khơi. Bên cạnh đó, thiệt hại vật chất là có thể tính được nên đã đủ cơ sở pháp lý truy cứu trách nhiệm hình sự của người đứng đầu và những người liên quan của đơn vị đóng tàu theo điều 162 bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 về tội lừa dối khách hàng.
Ông Đặng Thành Thái, Phó chánh án TAND tỉnh Bình Định, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bình Định cũng nhận định: Các đơn vị đóng tàu không thực hiện theo đúng hợp đồng đã cam kết với ngư dân như dùng máy thủy không chính hãng để thay thế máy thủy Mitsubishi chính hãng, dùng thép Trung Quốc để đóng tàu nhưng hóa đơn thanh toán lại ghi là thép Hàn Quốc..., thì đã có dấu hiệu hình sự, phạm tội lừa dối khách hàng, được quy định tại điều 162 của bộ luật Hình sự năm 1999 đang có hiệu lực thi hành. Việc lắp máy, thiết bị, phụ tùng trên tàu vỏ thép không đúng chất lượng, có chênh lệch so với hợp đồng đến mấy trăm triệu đồng là đã có yếu tố hình sự rồi. Vấn đề này cần cơ quan điều tra khởi tố để làm rõ. Nhưng trước mắt, vấn đề tàu vỏ thép hư hỏng có trách nhiệm dân sự. Nếu làm chưa đạt thì phải làm lại cho đạt. Trong thời gian ngư dân không có công ăn việc làm do tàu vỏ thép bị hư hỏng, nằm bờ thì công ty đóng tàu cũng phải có trách nhiệm đền bù.
Ngư dân kêu, chính quyền nói vẫn ổn !
Trong khi nhiều ngư dân và chính quyền các xã khẩn thiết muốn cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ trách nhiệm vì những hư hỏng, trục trặc của tàu vỏ thép thì UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa nhận được báo cáo, còn lãnh đạo một số huyện cho rằng mọi chuyện vẫn “ổn”.
Liên quan đến 15 trong tổng số 23 chiếc tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 ở Thanh Hóa vừa đi vào khai thác đã bị hư hỏng, trục trặc như Thanh Niên phản ánh, chiều 27.6, trả lời PV, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tại Thanh Hóa, nói: “Vừa qua, tôi đã giao Sở NN-PTNT kiểm tra, thống kê về chất lượng của tất cả các tàu vỏ thép nhưng đến giờ tôi chưa nhận được báo cáo của Sở”. Khi được hỏi Thanh Hóa sẽ có giải pháp như thế nào để giải quyết vấn đề hư hỏng, trục trặc của tàu vỏ thép thì ông Quyền trả lời: “Để tôi nắm lại báo cáo của Sở NN-PTNT xem thế nào đã, có gì sẽ trả lời sau”.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi đi kiểm tra, ngày 7.6, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo gửi Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan sơ bộ về tình hình hư hỏng, trục trặc của tàu vỏ thép.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Phạm Thảo, Phó chủ tịch UBND xã Hoằng Trường (H.Hoằng Hóa), cho biết xã có 4 chiếc tàu vỏ thép thì chỉ có 1 chiếc là làm ăn hiệu quả, 3 chiếc còn lại thì kém hiệu quả vì hay xảy ra hư hỏng, trục trặc. “Cả phía ngư dân lẫn chính quyền địa phương chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc để thẩm định, làm rõ trách nhiệm những hư hỏng thường xuyên của tàu vỏ thép. Vì đó là quyền lợi chính đáng của ngư dân”, ông Thảo nói.
Dù ngư dân và chính quyền các xã đang đề nghị cơ quan có thẩm quyền thẩm định, làm rõ trách nhiệm các đơn vị có liên quan nhưng lãnh đạo một số huyện lại cho rằng tình hình tàu vỏ thép vẫn “ổn”. Ông Nguyễn Đình Tuy, Phó chủ tịch UBND H.Hoằng Hóa, cho biết có tình trạng tàu vỏ thép hư hỏng một số thứ như: cẩu, tời..., nhưng: “Đến giờ, tình hình tàu vỏ thép ở huyện vẫn đang ổn định, bình thường. Chúng tôi cũng đã yêu cầu các chủ tàu có hư hỏng thì báo cáo huyện để huyện báo cáo tỉnh nhưng đến giờ vẫn chưa thấy có vấn đề gì cả”, ông Tuy nói. Còn ông Hồ Đình Tùng, Phó chủ tịch UBND H.Tĩnh Gia, nói: “Huyện có 2 tàu vỏ thép chất lượng hơi kém một tí nhưng vẫn là bình thường so với các địa phương khác. Trong 2 chiếc có 1 tàu làm ăn có lãi, tàu còn lại không hiệu quả lắm, chúng tôi đang cho người nắm bắt lại tình hình để báo cáo tỉnh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.