Tham vọng vươn đến 'công nghệ chủ chốt' của Trung Quốc

29/12/2017 11:00 GMT+7

Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc hôm 26.12 công bố kế hoạch ba năm nhằm tăng khả năng cạnh tranh kinh tế của đất nước.

Kế hoạch nhấn mạnh phát triển “công nghệ chủ chốt” trong chín ngành công nghiệp, từ robot cho đến đường sắt. Trong số đó, đáng chú ý là dự án phát triển tàu điện từ có thể chạy với tốc độ lên tới 600 km/giờ vào năm 2020.
“Mục tiêu của kế hoạch lần này là làm cho Trung Quốc trở thành quốc gia sản xuất mạnh mẽ và nâng cấp sức mạnh công nghiệp của đất nước thông qua internet, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo”, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc cho hay.
Theo South China Moring Post, để đạt được mục tiêu đó, cơ quan này đã đưa ra những bước đi cụ thể để phát triển các công nghệ chủ chốt, đồng thời hướng dẫn về hướng nghiên cứu và dòng chảy tài chính của các quỹ trong từng lĩnh vực.
Chi tiết cho ngành ô tô bao gồm việc khuyến khích sử dụng chip từ các nhà sản xuất ô tô lớn trong nước. Ủy ban cũng muốn các hãng ô tô địa phương phát triển thiết bị công nghệ cao như máy ảnh có độ nét cao và hệ thống điện tử chính xác để cảnh báo tới người lái xe những rủi ro tiềm ẩn. Chính phủ sẽ phối hợp hỗ trợ cả về nghiên cứu và tài chính để tìm ra những đột phá trong công nghệ. Các hướng dẫn tương tự cũng được đề ra cho các ngành công nghiệp còn lại.
Bước đi này của Trung Quốc được đưa ra trong lúc các doanh nghiệp của nước này đang chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ Mỹ và châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) hồi tuần trước đã đưa ra các điều luật mới để chống lại hàng nhập khẩu siêu rẻ từ các nhà sản xuất nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, thông qua các biện pháp cạnh tranh thương mại không công bằng. Trong một báo cáo dài 465 trang, Ủy ban châu Âu kết luận Bắc Kinh có ảnh hưởng đáng kể đến giá cả trong các yếu tố sản xuất, cũng như việc phân bổ các nguồn lực như đất đai hoặc vốn.
Theo các nhà phân tích, mục tiêu mới của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể được cho là quá tham vọng, nhưng chắc chắn chính phủ Trung Quốc sẽ tập trung nguồn lực để cố gắng đạt được chúng. Song, cũng có một số ý kiến tranh luận cho rằng vai trò hoạch định kinh tế của chính phủ cần phải được tiết chế lại. “Điều Trung Quốc nên làm là giảm bớt vai trò của chính phủ. Việc tăng cường sự can thiệp hành chính sẽ chỉ dẫn đến tham nhũng và gián đoạn thị trường”, ông Gary Liu, Chủ tịch Viện Cải cách Tài chính Trung Quốc, nói.
Chỉ một thập niên sau khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới diễn ra, Trung Quốc đang trên đà trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu trong một số ngành công nghiệp quan trọng, bao gồm xe điện, xe tự lái và trí thông minh nhân tạo. Tuy nhiên, sự thành công này phần lớn là do nỗ lực của các công ty tư nhân. Chính sách công nghiệp của chính phủ trên thực tế đã không thúc đẩy nhiều công ty thành công, thay vào đó là tràn lan các báo cáo về yêu cầu bồi thường gian lận.
“Các chính sách công nghiệp của chính phủ, ngay cả khi hoạt động tốt, thì nhiều khả năng cũng chỉ có hiệu quả trong một thời gian ngắn. Về lâu dài, Trung Quốc đang mất tín nhiệm vì đã để cho nhà nước đóng vai trò lớn trong nền kinh tế và gây ra nhiều phàn nàn từ các đối tác quốc tế trong việc tạo ra một sân chơi thương mại không bình đẳng”, Hu Xingdou, nhà kinh tế độc lập, nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.