Thấy gì từ lợi nhuận của các công ty niêm yết?

12/08/2009 22:12 GMT+7

Rất nhiều doanh nghiệp niêm yết đã công bố đạt lợi nhuận lớn trong 6 tháng đầu năm 2009. Câu hỏi đặt ra với các nhà đầu tư hiện nay là lợi nhuận thực sự của các công ty này đến từ đâu?

Chính giảm, phụ tăng

Trước hết hãy xem xét 30 doanh nghiệp (DN) có vốn hóa thị trường lớn trong nửa đầu năm 2009 theo thống kê của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), nguồn thu từ sản xuất kinh doanh của các DN này chỉ tăng trung bình 5% trong khi lợi nhuận lại tăng tới trên 40%. Lý giải về vấn đề này, SSI cho rằng nguyên nhân chính của việc doanh thu tăng thấp, thậm chí giảm nhưng lợi nhuận tăng đột biến của nhiều DN là do lợi nhuận hầu hết thu về từ việc hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính trong đợt hồi phục của TTCK thời điểm quý 2 vừa qua. Có thể kể Công ty CP Nam Việt (ANV) hay Công ty CP Cáp và Vật liệu viễn thông (SAM). Việc thị trường tiêu thụ sụt giảm do bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trong khi chi phí cố định không dễ cắt giảm đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến lợi nhuận thuần của các công ty này. Doanh thu của SAM trong quý 2 vừa qua đã giảm rất mạnh, xấp xỉ giảm 65% so với cùng kỳ năm 2008 nhưng lợi nhuận lại đạt trên 162 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm 2008 lỗ tới trên 113 tỉ đồng. Trong đó lợi nhuận thuần từ sản xuất kinh doanh giảm trung bình là âm 12%.

Nhìn thấy rõ ràng nhất là ở báo cáo tài chính của các công ty kinh doanh các nguyên liệu như cao su, thép, phân bón... những mặt hàng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ do giá bán trên thế giới giảm trong nửa đầu năm 2009 vừa qua. Cụ thể như Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí - CTCP (DPM), dù doanh thu quý 2 của công ty tương đương cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận lại giảm gần 41%. Nguyên nhân là giá urê trên thế giới trong 6 tháng đầu năm 2009 đã giảm khoảng 25% so với năm 2008. Hay trường hợp Công ty CP cao su Đồng Phú (DPR), doanh thu 6 tháng đầu năm của DPR giảm 21% nhưng lợi nhuận giảm tới 44% so với cùng kỳ.

Giá chưa hấp dẫn

CP của các doanh nghiệp có đầu tư tài chính lớn đang là lựa chọn ưu tiên của nhiều nhà đầu tư (NĐT) hiện nay bởi những lý do vừa nêu. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, do lợi nhuận chủ yếu đến từ hoàn nhập dự phòng nên việc duy trì lợi nhuận này trong 6 tháng cuối năm không cao vì kỳ vọng tăng nóng của TTCK trong những tháng cuối năm là không nhiều. Trong khi đó, mặc dù thị trường đã kéo dài tình trạng “lình xình” trong gần 2 tháng qua nhưng giá nhiều CP blue-chips giảm không đáng kể. Đơn cử như SAM, từ đáy của thị trường hồi giữa tháng 2 năm nay, SAM ở mức 11.400 đồng/CP. Chỉ trong quý 2, sự tăng nóng của thị trường đã đưa giá CP SAM tăng vọt tới trên 300%, ở mức 38.900 đồng/CP vào giữa tháng 6 vừa qua. Hiện nay giá CP SAM khoảng 32.000 đồng/CP. CP REE cũng tương tự. Luôn dẫn đầu trong các CP có mức tăng mạnh nhất trong thời gian vừa qua, REE đã nhảy vọt từ 16.700 đồng/CP (ngày 24.2) lên mức cao nhất 54.200 đồng/CP vào đầu tháng 6, tăng xấp xỉ 350% chỉ trong một thời gian ngắn. Hiện REE đang ở mức 49.000 đồng/CP, giảm rất ít so với mức tăng của quý 2 vừa qua. Đây cũng là tình trạng của hầu hết các CP tài chính, CP blue-chips hiện nay. Đó là lý do, nhiều ý kiến cho rằng, dù có “sức khỏe” tốt nhưng giá các CP này chưa thực sự hấp dẫn.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.