Thị trấn Ý cho phép dùng tiền giả để thúc đẩy kinh tế

20/07/2016 13:56 GMT+7

Tại một góc ở miền nam nước Ý, giao dịch bằng tiền giả không những được nhiều người bán hàng địa phương chấp nhận mà còn được chính quyền tích cực khuyến khích.

Theo BBC, thị trấn nhỏ Gioiosa Ionica, vùng Calabrian nước Ý có dân số 7.000 người và hiện là nhà của một nhóm người tị nạn. Họ được phát tiền giấy giả, hay còn gọi là “vé” như một phần của hệ thống voucher. Người tị nạn có thể chi tiền loại này cho bất cứ thứ gì họ thích, nhưng chỉ nội trong thị trấn.
Giấy bạc giả in hình các lãnh đạo cộng sản và cánh tả. Đơn cử, tờ 10 EUR có hình ông Che Guevara, 20 EUR in hình Hugo Chavez còn tờ 50 EUR là hình Karl Marx. Mặt trái của giấy bạc là chữ ký của Giovanni Maiolo, điều phối viên dịch vụ tị nạn của thị trấn.
Tiền giả được Gioiosa Ionica xem là cách để đôi bên cùng có lợi. Người tị nạn có thể mua thức ăn, chi tiêu cho một số thứ còn người bán hàng có khách hàng mới, giảm bớt sự căng thẳng về những người mới đến.
Mỗi ngày, Gioiosa Ionica nhận 35 euro, tương đương 39 USD, cho mỗi người tị nạn từ chính phủ Ý tại Rome. Với khoản tiền trên, họ phải lo mọi thứ cho người tị nạn, từ chỗ ở, thực phẩm, chăm sóc y tế đến lớp học tiếng Ý, việc làm, thủ tục xin tị nạn. Tại thị trấn nghèo, nơi cư dân vốn quen với việc di cư đến nơi khác hơn là nhập cư, số tiền bơm đến từ chính phủ đang thực sự tạo nên khác biệt.
Giấy bạc euro giả lưu hành ở thị trấn Ý Ảnh chụp màn hình
Những người có nhà bỏ trống hiện có thể kiếm tiền từ việc cho người tị nạn thuê nhà, còn cửa hàng hưởng thêm thu nhập từ nhu cầu của người tị nạn. Tiền giả cho phép người mới đến mua hàng mỗi ngày, kể cả khi tiền trợ cấp từ Rome đến muộn. Dịch vụ cho người tị nạn trả các chủ cửa hàng đồng euro thật khi tiền trợ cấp về.
Việc chăm sóc cho người tị nạn cũng tạo thêm 20 việc làm mới có nhu cầu cao. Khi vận động tranh cử ba năm trước, thị trưởng Salvatore Fuda từng tuyên bố ông sẽ mở cửa cho người tị nạn để tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân.
Ông Fuda cho hay: “Dự án như của chúng tôi, với 75 người tị nạn, đem về tổng cộng 1 triệu EUR mỗi năm. Số tiền này được gửi cho thị trấn, không phải cho người tị nạn. Nếu bạn so sánh với ngân sách hằng năm của chúng tôi vào khoảng 8 triệu EUR, bạn có thể thấy đây là sự hỗ trợ quan trọng cho chúng tôi. Nó tạo ra vòng tròn đạo đức, việc làm được tạo ra và tiền được chi trả cho thức ăn. Nó mang lại lợi ích kinh tế”.
Thị trưởng Fuda không làm việc này chỉ vì tiền, mà còn để mang đến trải nghiệm đa văn hóa cho người trẻ địa phương. “Những đứa trẻ ở Gioiosa Ionica không vướng khó khăn gì nếu chúng gặp gỡ những người có màu da, văn hóa và tín ngưỡng khác nhau. Ví dụ chúng sẽ học được rằng ở Afghanistan hay Ấn Độ người dân chơi cricket, không phải đá bóng, và chúng sẽ học được cách chơi cricket”.
Với ông Fuda, mở cửa cho người tị nạn còn đồng nghĩa với việc những đứa trẻ ở miền nam xa xôi nước Ý có cơ hội gặp người nước ngoài, hệt như cơ hội mà những đứa trẻ sống ở thủ đô lớn như Paris hay London đang có.
Người di cư đến Gioiosa Ionica cũng có vẻ hạnh phúc. Thay vì phải sống trong các trung tâm tị nạn lớn với không nhiều việc để làm, họ có thể có kinh nghiệm làm việc và ở chung nhà với những người tị nạn khác. Họ sẽ cùng nấu ăn. Một cửa hàng in ấn địa phương vừa nhận một thanh niên Somali vào làm việc. Chừng nào còn có thể đi làm, người thanh niên ấy vẫn sẽ hạnh phúc tại thị trấn nhỏ này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.