Thị trường ảm đạm, nhà đầu tư nước ngoài vẫn "gom" hàng

10/07/2007 21:40 GMT+7

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn trong chu kỳ giảm nhiều hơn tăng. Tình hình kéo dài khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) nội "lên ruột", thậm chí chán nản và bán tháo chứng khoán để rút chân ra khỏi thị trường. Ngược với tâm trạng đó, NĐT nước ngoài vẫn mua vào nhiều hơn bán ra, bất chấp thị trường "xanh" hay "đỏ".

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10.7, chỉ số VN-Index tăng 12,77 điểm, đạt 1.023,04 điểm. Toàn thị trường có hơn 4,9 triệu chứng khoán (CK) được giao dịch với tổng giá trị 530,4 tỉ đồng. Trong đó, NĐT nước ngoài đã mua vào nhiều gấp 3 lần lượng bán ra, chiếm gần 25% giao dịch trên thị trường.

Trước đó, phiên giao dịch ngày 9.7, thị trường có hơn 4,1 triệu CK được giao dịch với tổng giá trị đạt 465,8 tỉ đồng. NĐT nước ngoài đã mua vào hơn 1,4 triệu CK (chiếm khoảng 30% lượng giao dịch toàn  thị trường) và chỉ bán ra hơn 500.000 CK. Nhìn lại tuần giao dịch đầu tiên trong tháng 7 (từ ngày 2 - 6.7), VN-Index có 4 phiên giảm điểm và một phiên tăng điểm, tổng cộng chỉ số này đã mất đi 14,15 điểm so với phiên cuối cùng của tháng 6.

Trong khi các NĐT trong nước dè dặt thì NĐT nước ngoài vẫn liên tục mua vào hơn 7,6 triệu CK, chỉ bán ra 2,6 triệu CK. Thậm chí, trong những phiên hầu hết các cổ phiếu (CP) đều giảm giá như ngày 2.7, khi chỉ số VN-Index giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm khiến nhiều NĐT trong nước thất vọng và bán ra nhiều hơn thì NĐT nước ngoài lại ồ ạt mua vào với khối lượng gấp 2,5 lần lượng bán ra (mua vào 1,67 triệu CK, chỉ bán ra 633.000 CK). Giá trị mua vào của NĐT nước ngoài phiên này đạt 252 tỉ đồng, chiếm gần 43% giao dịch toàn thị trường. 

Lượng giao dịch của NĐT nước ngoài trong mỗi phiên luôn chiếm từ 25 - 30% lượng giao dịch trên thị trường. Trong tháng 6, lượng giao dịch này tăng cao hơn và luôn ở tỷ lệ trung bình 30%/phiên giao dịch. Ông Nguyễn Ngọc Tươi, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đà Nẵng cho rằng, có khả năng NĐT nước ngoài đánh giá và nhìn nhận được tiềm lực của kinh tế Việt Nam nói chung và các CK đang được niêm yết nói riêng. "Hơn 90% các công ty Việt Nam sau khi chuyển sang cổ phần hóa đều đạt được tốc độ tăng trưởng cao. NĐT nước ngoài không chỉ tăng mua những CK được niêm yết trên sàn mà còn mua cả những CP trên thị trường OTC hoặc đầu tư vào các công ty chưa niêm yết. Còn NĐT trong nước do ảnh hưởng từ Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay cầm cố CK nên không còn tiền để đầu tư. Vì vậy trong thời điểm hiện nay, việc mua vào nhiều của NĐT nước ngoài là một yếu tố tích cực khiến thị trường không giảm mạnh hơn" - ông Nguyễn Ngọc Tươi nhận xét. 

Tất nhiên, mặc dù tỷ lệ giao dịch của NĐT nước ngoài luôn chiếm tỷ trọng cao trong lượng giao dịch của toàn thị trường nhưng về giá trị thì lượng giao dịch của NĐT nước ngoài cũng giảm dần so với trước đó theo xu hướng chung tổng lượng giao dịch giảm dần của thị trường. Ông Trương Duy Khiêm, Trưởng phòng môi giới Công ty chứng khoán ACBS, nhận định NĐT nước ngoài hiện nay vẫn có nhiều NĐT cá nhân tham gia nên việc mua bán ngắn hạn diễn ra nhiều hơn. "Điều này không giống như những năm trước giao dịch của NĐT nước ngoài chủ yếu thuộc về các tổ chức tài chính với chiến lược đầu tư lâu dài. Vì vậy giao dịch của NĐT nước ngoài hiện nay cũng có tác động đến giá CK nhưng không đủ để làm thay đổi xu hướng thị trường. Thậm chí ngay cả NĐT nước ngoài cá nhân cũng sẽ thay đổi theo tâm lý chung nếu thị trường có sự biến động mạnh" - ông Trương Duy Khiêm nói. 

Tuy nhiên, các NĐT nước ngoài là tổ chức vẫn đang sở hữu gần 49% số lượng CP của những thương hiệu lớn như REE, SAM, VNM, KDC, GMD, AGF... nên nếu thật sự có động thái lớn của các tổ chức này, giá CP trên thị trường sẽ bị thay đổi. Trong thực tế, có nhiều phiên giao dịch, sự mua vào bán ra của các tổ chức đã quyết định chiều hướng lên hay xuống của thị trường. Vì vậy, ông Nguyễn Ngọc Tươi cho rằng nhìn theo động thái của các tổ chức đầu tư nước ngoài để đánh giá các loại CK cũng là một cách để các NĐT cá nhân trong nước tham khảo. Tuy nhiên cần phải có thêm nhiều thông tin khác để kết hợp. Theo ông Trương Duy Khiêm, NĐT nước ngoài là những người giỏi trong các kỹ thuật làm giá CP để đạt lợi nhuận mà mình mong muốn. Nếu các NĐT cá nhân trong nước chỉ đi theo sau và làm theo những giao dịch của NĐT nước ngoài thì khả năng "chết" sẽ dễ xảy ra. Đó không phải là phương pháp của một NĐT có bản lĩnh.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.