Thị trường bán lẻ 'nước đến lưng vẫn... đi bộ'

19/05/2016 06:36 GMT+7

Đó là hình ảnh mà Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Nguyễn Vinh Phú dẫn ra để minh họa cho thực tế của ngành bán lẻ VN trong bối cảnh hội nhập, tại Hội thảo bán lẻ VN tổ chức ở Hà Nội hôm 18.5.

Theo ông Phú, không thể phủ nhận có những doanh nghiệp (DN) bán lẻ nội đang vượt khó vươn lên có được chỗ đứng trước cuộc đổ bộ của các đại gia ngoại. "Tuy nhiên, đó chỉ là số rất ít, còn lại đa số rất thụ động mà tôi nghĩ 70% là ta tự hại mình, còn yếu tố ngoại chỉ chiếm tỷ lệ 30%", ông Phú nhận xét.
Người được cho là mở siêu thị đầu tiên ở Hà Nội kể, ông từng dẫn một số nhà sản xuất đến các siêu thị nội nhưng họ đòi chiết khấu không kém siêu thị có vốn nước ngoài. Đó là chưa kể phí đầu kệ, phí sinh nhật, thậm chí là tiền "gầm bàn"... "Trong khi đó, một chai dầu ăn siêu thị nội bán đắt hơn DN FDI đến 20.000 đồng. Chúng ta tự hại ta thôi, bởi phân phối yếu thì sản xuất chết, người tiêu dùng bị móc túi", ông bức xúc.
TS Ngô Tuấn Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng thừa nhận các DN nội kinh doanh thiếu tính chuyên nghiệp, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu... là những điểm yếu dễ nhìn thấy.
Dẫu vậy, không chỉ có lỗi của DN, mà từ thực tế bán lẻ của Hà Nội, ông Phú chỉ ra nhiều chính sách của nhà nước rất lạ đời. Cụ thể, Sở Công thương Hà Nội từng công bố bình ổn 32.000 tấn rau trong dịp tết, thế nhưng giá cà chua vẫn tăng 4 lần khi đến tay các bà nội trợ. Còn Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) được bình ổn cả trăm tỉ đồng song giá bán vẫn cao hơn siêu thị khác. Hay chuyện chỉ một đoạn phố 700 m mà quy hoạch đến 3 siêu thị. Dù đã có Lotte và Hapro song vẫn cho thêm Fivimart vào giữa... "Nhiều chính sách không tài nào hiểu nổi, thế mà không thấy ai chịu trách nhiệm", ông Phú ngạc nhiên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.