Thị trường châu Á nhiều hỗn loạn nếu Anh chọn rời EU

18/06/2016 08:58 GMT+7

Khi chỉ còn một tuần nữa là đến cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở Liên minh châu Âu (EU) của Anh, nhiều chuyên gia nhận định về diễn biến các thị trường và kinh tế châu Á nếu Anh rời EU.

Thời gian gần đây, câu chuyện Brexit, tức nước Anh rời EU, được quan tâm nhiều trên thị trường toàn cầu. Các nhà phân tích lo ngại cảnh Brexit có thể gửi “một cú sốc rất lớn” đến kinh tế Anh, ảnh hưởng thị trường tài chính và lùi đợt tăng lãi suất tiếp theo của Mỹ.
Nhiều cuộc thăm dò gần đây cho thấy người dân Anh đang nghiêng về hướng rời đi. Chứng khoán châu Á biến động suốt tuần, trong khi giá trị yen Nhật - đồng tiền an toàn nhất để nắm giữ trong khu vực - tăng đến 2,4%, lên mức đỉnh 20 tháng so với đô la Mỹ. Nếu Brexit xảy ra trong tuần sau, các thị trường châu Á được cho là sẽ hỗn độn hơn nữa, theo Channel NewsAsia.
Biến động tức thì
Yen Nhật Reuters
“Những gì chúng ta thấy hiện nay là các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho một cuộc bỏ phiếu và họ không muốn giữ tài sản rủi ro. Nếu lựa chọn rời đi thành hiện thực, thị trường châu Á sẽ hỗn loạn nhiều hơn nữa”, chuyên gia Tim Condon thuộc hãng ING nói.
Đặc biệt, tiền tệ các thị trường mới nổi, chẳng hạn như ringgit của Malaysia, rupiah của Indonesia và won của Hàn Quốc, có khả năng chịu đợt bán tháo. “Các nhà đầu tư sẽ muốn bán ở thị trường mới nổi và những đồng tiền này luôn là lựa chọn hàng đầu khi thị trường gặp áp lực”, ông Condon cho biết thêm.
Chiến lược gia ngoại hối Yujiro Goto thuộc ngân hàng Nomura (Nhật) cho hay yen Nhật cũng biến động mạnh và được dự kiến sẽ “tăng giá đáng kể so với các đồng tiền chính khác” vì nhu cầu tìm tài sản trú ẩn an toàn. Ông Goto nói thêm thị trường có thể sẽ theo dõi cách các nhà hoạch định chính sách toàn cầu phản ứng, còn Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể họp khẩn.
Đồng tiền mạnh lên là yếu tố không được chào đón vì chính phủ Nhật Bản đang cố vực dậy tăng trưởng kinh tế. Đây có thể là tin xấu với cổ phiếu Nhật Bản, vốn thường có mối quan hệ nghịch đảo với giá trị đồng yen.
Hiệu ứng lan tỏa
Xuất khẩu của các nước châu Á đến Anh, tính theo phần trăm GDP Capital Economics
Ngoài những thay đổi tức thì, biến động ở các thị trường có thể chuyển thành hiệu ứng lan tỏa vào nền kinh tế khu vực nếu chúng vẫn còn tồn tại. Theo hãng State Street Global Advisors (SSGA), cuộc trưng cầu dân ý ở Anh đến giữa thời điểm hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đang chật vật.
“Hãy nhìn vào Nhật Bản, nơi “Abenomics” và chương trình nới lỏng định lượng khổng lồ dường như bị trì trệ, trong khi động cơ tăng trưởng của thế giới là Trung Quốc hiện cố gắng thay đổi nền kinh tế. Bạn có hai nền kinh tế đang tái tổ chức và giờ đây, khả năng Anh rời EU đồng nghĩa với việc có nhiều yếu tố thiếu chắc chắn hơn nữa”, chuyên gia Mark Wills về khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Investment Solutions Group thuộc SSGA cho hay.
Vì mối giao thương giữa châu Á với Anh và các nước châu Âu khác, Brexit có thể làm gián đoạn tiềm năng với kinh tế châu Âu, làm tổn thương xuất khẩu châu Á. Một tác động dây chuyền khác chính là việc đầu tư chậm lại từ nước Anh. Ông Will cho rằng thật khó mà nói về Brexit mà không nghĩ đến tác động thương mại.
Dù vậy, có hai nhà kinh tế ít bi quan hơn khi nhắc đến hậu quả thương mại. Chuyên gia kinh tế châu Á Daniel Martin thuộc Capital Economics (Anh) là một trong hai nhân vật trên. Ông cho rằng sự sụt giảm trong nhu cầu của Anh chỉ là mối đe dọa nhỏ với các nhà xuất khẩu khu vực.
“Có một vài nền kinh tế ở châu Á mà sự sụt giảm trong nhu cầu của Anh quốc, ở cường độ này, sẽ chịu tác động đáng kể lên tăng trưởng. Việt Nam, Campuchia và Hồng Kông có mối quan hệ thương mại mạnh với Anh”, ông Matin nói.
Cơ hội cho châu Á
Biểu ngữ Brexit trên sông Thames, ảnh chụp hôm 15.6 AFP
Nhiều chuyên gia cho rằng thiệt hại của nước Anh có thể là cơ hội gia tăng cho châu Á.
Nhà kinh tế trưởng DBS David Carbon cho rằng thay đổi trọng lực từ Tây sang Đông đang đi lên: “Châu Á hôm nay tăng trưởng với mức khoảng 1.000 tỉ USD mỗi năm. Con số đó tương tự như việc thêm GDP cả nước Đức vào bản đồ kinh tế thế giới mỗi 3,2 năm. 5 năm từ bây giờ, châu Á sẽ thêm GDP của nước Đức vào nền kinh tế thế giới mỗi 2,8 năm. 5 năm kế tiếp, thời gian rút ngắn chỉ còn mỗi 2,2 năm”.
“Lo lắng về chuyện Brexit? Đừng lo, ít nhất là bạn đang sống ở châu Á”, ông Carbon viết trong một báo cáo.
Doanh nghiệp lo lắng
Sự thiếu chắc chắn trong số phận Anh quốc khiến một số công ty châu Á mất bình tĩnh.
Hồi tháng 3, tỉ phú Hồng Kông Lý Gia Thành cho hay ông sẽ giảm đầu tư nếu kịch bản Brexit xảy ra. Ông Lý đã và đang đổ hàng tỉ USD vào nhiều lĩnh vực ở Anh như dịch vụ di động, tiện ích nước và khí tự nhiên.
Doanh nghiệp Nhật Bản với lịch sử đầu tư công nghiệp lâu dài vào Anh cũng bày tỏ lo ngại. Tháng trước, Chủ tịch hãng Hitachi, ông Hiroaki Nakanishi, viết trong một bài bình luận đăng trên tờ Financial Times cho hay tư cách thành viên EU của Anh là nhân tố chính đối với nhiều công ty Nhật. Chuyện Anh quay lưng với khối 28 nước là phiền hà và khó hiểu.
CEO Ho Meng Kit của hãng Singapore Business Federation cho rằng Brexit có thể làm suy yếu sự ổn định của châu Âu, ở thời điểm kinh tế toàn cầu mong manh. Điều này sẽ “tác động đáng kể” đến Singapore. Một hậu quả khác có thể xảy ra là sự trì trệ thêm nữa trong quá trình tái đàm phán hiệp định thương mại tự do EU - Singapore.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.