Thị trường đang tạo ra các cơ hội vàng

30/05/2008 22:10 GMT+7

Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong hoạt động ngân hàng, các hoạt động liên quan đến kinh doanh tiền tệ; từng làm việc tại Sở Giao dịch chứng khoán Montreal, Ngân hàng phát triển kinh doanh Canada, Tổ chức Credit Lyonnais Canada, ông Phạm Ngọc Bích - quyền Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ đầu tư Prudential đã dành cho PV Thanh Niên cuộc trao đổi xung quanh thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong giai đoạn khó khăn này.

* TTCK VN đã mất điểm khá lâu, nhiều ý kiến cho rằng đó là hậu quả tất yếu sau một thời gian quá nóng trước đây? Nhận định của ông về vấn đề này?

- Tôi đồng ý với ý kiến trên, kinh tế VN 3 năm vừa qua có tốc độ tăng trưởng khá cao, trên 8%/năm. Đặc biệt là khi VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, vốn đầu tư nước ngoài vào VN đã tăng rất mạnh. Các ngân hàng trong nước cũng hỗ trợ sự tăng trưởng đó bằng những khoản cho vay các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào sản xuất kinh doanh, bất động sản... Mức tăng trưởng trung bình của các ngân hàng năm 2007 lên tới trên 50%, mức tăng trưởng này dẫn đến kết quả xấu là lạm phát tăng cao. Và tình trạng lãi suất trong hệ thống ngân hàng thấp hơn lạm phát đã ảnh hưởng lớn đến TTCK. Đó là những yếu tố chủ quan. Về khách quan, giá dầu, giá lương thực trên thế giới tăng rất nhanh trong những tháng qua làm VN bị ảnh hưởng. Một nguyên nhân rất lớn nữa là yếu tố tâm lý trên thị trường. Nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 70% trên thị trường và họ đang bị ảnh hưởng tâm lý bi quan. Khi thị trường có số đông các nhà đầu tư bi quan thì sẽ càng giảm hơn. Một bất lợi nữa của TTCK VN là quy mô còn nhỏ. Năm 2007, vốn hóa của thị trường khoảng 30 tỉ USD, năm nay còn thấp hơn, con số này nhỏ hơn giá trị vốn của một công ty nước ngoài. Vì thế, chỉ vài yếu tố xấu cũng gây biến động mạnh đến thị trường.

* Ông nhận xét gì những giải pháp kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đưa ra vừa qua?

- Theo tôi nghĩ, chính sách tiền tệ mà Chính phủ sử dụng vừa qua (hạn chế tiền trong lưu thông bằng cách siết chặt các khoản vay) là đúng và phải tiếp tục duy trì đến khi nào lạm phát giảm xuống. Tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và giúp đỡ các ngân hàng trải qua giai đoạn này. Cần nhất là sự ổn định của giá cả và ổn định niềm tin của nhà đầu tư. Nếu tăng trưởng kinh tế chậm hơn, các doanh nghiệp trong nước có đủ thời gian và năng lực sử dụng nguồn vốn nước ngoài thì lạm phát sẽ giảm và sẽ đi đến ổn định.

* TTCK đang bị mất thanh khoản trầm trọng. Nhiều ý kiến cho rằng nên trả lại biên độ như cũ để tạo sự hấp dẫn cho thị trường, ông nghĩ sao về việc này?

- Tôi cho rằng TTCK hoạt động như một trung tâm thương mại, hay một cái chợ. Người quản lý chợ này phải làm thế nào để thu hút khách hàng càng nhiều càng tốt. Mà để thu hút khách hàng thì không nên thuế cao, không nên đóng cửa, không nên thay đổi, không nên có biên độ... Tất nhiên là có kiểm soát để thị trường hoạt động và phát triển theo đúng những quy định trong Luật Chứng khoán. Đơn cử như lúc này, Chính phủ có thể lùi thời hạn nộp thuế thu nhập đến thời điểm thích hợp nào đó bởi thị trường luôn bị ảnh hưởng bởi yếu tố trong tương lai chứ không phải hôm nay. Người ta sợ lạm phát ngày mai nên hôm nay không mua cổ phiếu và người ta cũng có thể mua cổ phiếu ngày hôm nay vì sang năm không phải đóng thuế. Sử dụng chính sách thuế linh hoạt để vực dậy TTCK là cách mà nhiều nước trên thế giới như Brazil, Argentina, Ailen... đã làm.

* Việc TTCK mất điểm hiện nay có ảnh hưởng đến việc đầu tư của công ty?

- 3 năm vừa qua chúng tôi đã có được kết quả lợi nhuận khả quan. Tất nhiên, năm nay thì khó khăn hơn nhiều so với những năm trước. Chúng tôi đang quản lý 5 quỹ, trong đó có 2 quỹ đầu tư huy động vốn nước ngoài để đầu tư vào chứng khoán và bất động sản tại VN. Các khoản đầu tư này đã triển khai cách đây 5 năm nên mặc dù giá giảm nhưng vẫn cao hơn so với giá thời điểm chúng tôi mua vào. Bên cạnh đó, lợi nhuận của các công ty này cũng rất cao, vì vậy việc thị trường mất điểm trong ngắn hạn không thành vấn đề đối với chúng tôi.

* Là công ty quản lý quỹ với số lượng nhà đầu tư lớn nhất tại VN, ông có thể tiết lộ tâm lý những nhà đầu tư của quỹ như thế nào trước sự sụt giảm quá sâu của TTCK VN?

- Quỹ cân bằng Prudential của chúng tôi là quỹ đóng với thời hạn 7 năm. Chúng tôi bắt đầu giải ngân năm 2006, nghĩa là còn 6 năm nữa ở phía trước và tôi tin chắc chắn thị trường sẽ hồi phục trở lại. Tôi và các nhà đầu tư của tôi đều có quan điểm đầu tư vào chứng khoán là đầu tư trung và dài hạn, những biến động ngắn hạn có thể xảy ra nhưng không thể tác động đến tâm lý của chúng tôi.

* Ông có cho rằng, thị trường đang tạo ra cơ hội tốt cho việc đầu tư và công ty ông có kế hoạch gì để chớp lấy cơ hội này?

- Không phải là cơ hội tốt mà là cơ hội bằng vàng, cơ hội trời cho. Nếu ngay bây giờ không tận dụng được cơ hội này, 2 năm sau nhìn lại nhiều người sẽ tự trách mình dại. Chúng tôi đã và đang lên kế hoạch đầu tư vào các ngành năng lượng, dầu hỏa, nông nghiệp, thực phẩm... Chúng tôi không muốn 2 năm sau nhìn lại, mình sẽ là người dại vì không chớp lấy cơ hội này.

Nguyên Hằng (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.