Thị trường tiền tệ 6 tháng cuối năm: Lãi suất sẽ tăng?

27/06/2005 09:18 GMT+7

Diễn biến lãi suất luôn gắn với diễn biến của thị trường tiền tệ, thị trường hàng hóa. Với thị trường tiền tệ, ảnh hưởng mạnh nhất đến lãi suất VNĐ là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục công bố tăng lãi suất cơ bản. Với thị trường hàng hóa, do ảnh hưởng của việc tăng giá người dân phải dùng tiền chi tiêu nhiều hơn là gửi ngân hàng. Điều này cho thấy, tăng lãi suất là điều tất yếu trong thời gian tới.

Đã hình thành mặt bằng lãi suất mới

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, hiện nay lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng từ 0,63%-0,65%/tháng, kỳ hạn 6 tháng từ 0,65%-0,67%/tháng, kỳ hạn 12 tháng từ 0,68%-0,72%/tháng, so với đầu năm lãi suất huy động tăng từ 0,01%-0,02%/tháng (0,12%-0,24%/năm). Lãi suất cho vay hiện nay các tổ chức tín dụng (TCTD) đang áp dụng từ 0,78%-1,2%/tháng tùy theo thời hạn vay, khách hàng và đối tượng vay, so với đầu năm đã tăng từ 0,11%-0,28%/năm. Dù tăng nhưng đây là diễn biến phù hợp với tình hình biến động của giá cả hàng hóa trên thị trường.

Với ngoại tệ, ngoài sự tác động bởi quan hệ cung cầu về vốn, lãi suất ngoại tệ chịu sự chi phối và tác động mạnh từ lãi suất thị trường thế giới. Sự thay đổi lãi suất của FED trong 5 tháng đầu năm 2005 đã làm thay đổi lãi suất huy động tiền gửi ngoại tệ trong nước cũng như lãi suất cho vay bằng ngoại tệ. So với đầu năm, lãi suất ngoại tệ tăng khoảng 0,04% -0,2%/tháng, trong đó tăng cao nhất là tiền gửi kỳ hạn 3 tháng.

Theo ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, sự gia tăng lãi suất VNĐ trong 6 tháng đầu năm là phù hợp, đảm bảo cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn giữa VNĐ và ngoại tệ trong điều kiện lãi suất ngoại tệ vẫn tiếp tục có xu hướng tăng. Hiện nay, mức chênh lệch lãi suất VNĐ và ngoại tệ là 0,3%-0,35%/tháng (3,69%-4,15%/năm).

Như vậy, đối với người dân, gửi tiết kiệm bằng VNĐ vẫn có lợi hơn. Mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng lên và lãi suất trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc cũng tăng, cho thấy, mặt bằng lãi suất mới đã hình thành, phù hợp với sự mất giá của đồng tiền cũng như chỉ số giá cả 5 tháng đầu năm đã tăng 4,8%. NHNN Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2005 đã cho tăng lãi suất cơ bản từ 0,625% lên mức 0,65%, là mức lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường hàng hóa, thị trường tiền tệ.

Lãi suất sẽ tăng trong “êm dịu”

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Đồng Tiến nói: Đối với lãi suất ngoại tệ, chúng ta không thể đi ngược lại chiều hướng chung của thị trường quốc tế và cũng không thể đi ngược lại chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Vì vậy đối với lãi suất ngoại tệ, về cơ bản chúng ta sẽ chịu sự tác động đó. Có nghĩa là nếu họ tăng chúng ta cũng phải tăng, họ tăng mạnh chúng ta cũng tăng mạnh, bởi trước đây họ giảm thì chúng ta cũng giảm. Tuy nhiên với lãi suất VNĐ lại là vấn đề khác, phải cân nhắc hài hòa giữa các điều kiện, mục tiêu kinh tế trong nước với các điều kiện quốc tế để từ đó có sự điều chỉnh phù hợp.

Những tháng còn lại của năm 2005 lãi suất sẽ tăng như thế nào? Theo ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, có 3 yếu tố tác động đến việc xác định mặt bằng lãi suất mới: Thứ nhất, nhu cầu của nền kinh tế đang cần vốn để tăng trưởng. Thứ hai, so với chỉ số giá cả hiện nay mà các ngân hàng thương mại không điều chỉnh lãi suất huy động cho phù hợp thì sẽ không thu hút được tiền gửi. Bởi người gửi tiền luôn tính toán và tìm cách chuyển đổi đồng tiền họ nắm giữ sao cho có lợi nhất. Thứ ba là lãi suất USD trên thị trường quốc tế đang tăng.

Theo dự báo thì cuối năm nay FED sẽ tiếp tục cho tăng lãi suất USD lên 3,5% đến 3,75%, thậm chí có thể lên đến 4%/năm. Vì vậy, lãi suất trong nước sẽ khó tránh khỏi tác động từ quyết định của FED. Bên cạnh đó, muốn kinh tế tăng trưởng thì phải đầu tư nhiều vốn. Vì vậy để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2005 đạt 8,5% thì tốc độ tăng trưởng tín dụng phải đạt trên 25%.

Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia mới đây đã quyết định, sẽ phải duy trì mức độ tăng trưởng tín dụng 25%. Điều này cho thấy, việc tăng lãi suất huy động là điều khó tránh khỏi.

Tính đến hết tháng 5/2005, tổng nguồn vốn huy động của toàn hệ thống Incombank đạt 91.714 tỷ đồng, chỉ tăng có 2,2% so cuối năm 2004, trong khi đó, dư nợ cho vay tăng tới 8,8% và cao gấp 4 lần so với mức tăng huy động. Các ngân hàng như BIDV, VCB và Agribank đều có mức tăng dư nợ cao hơn rất nhiều so với mức tăng huy động. Thực tế này cho thấy mức độ khan hiếm vốn để cho vay sẽ là sức ép để tăng lãi suất tiền gửi.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc hình thành mặt bằng lãi suất mới sẽ không tăng đột biến. Bởi hầu như các TCTD đều đã ý thức được việc tăng lãi suất đầu vào sẽ phải tăng lãi suất đầu ra, mà điều đó sẽ dẫn đến rủi ro lớn do khả năng người vay trả nợ kém. Vì vậy dù đang ở thế buộc phải tăng lãi suất đầu ra nhưng các ngân hàng tính toán rất kỹ, có thể sẽ tăng nhưng tăng trong êm dịu.

Theo SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.