Thợ 'đào' bitcoin và những mối đe dọa ở Venezuela

11/09/2017 14:16 GMT+7

Bitcoin thường được coi là một trong các khoản đầu tư rủi ro. Và ở những nơi như Venezuela đồng tiền kỹ thuật số này còn có thể là điều nguy hiểm.

Theo CNBC, hàng ngàn người ở Venezuela đã quay sang bí mật khai thác mỏ bitcoin, đồng tiền kỹ thuật số tuần qua có thời điểm lên đến mức cao kỷ lục hơn 5.000 USD cho một bitcoin, vì sự sống còn về kinh tế của họ, mặc cho nguy cơ có thể bị phạt tù.
Venezuela từng là nước giàu nhất ở Nam Mỹ, nhưng hiện nay đang chìm trong khủng hoảng chính trị. Đây cũng là quốc gia nợ nần nhiều nhất thế giới và đang phải đứng bên bờ vực phá sản. Thực phẩm và các nhu yếu phẩm cơ bản ở đây rất khan hiếm. Hình ảnh kinh tế tương lai của đất nước cũng ảm đạm, với tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục và đồng bolivar, tiền tệ của Venezuela, trên đà rơi tự do.
Tuy nhiên, bitcoin, ethereum và các loại tiền kỹ thuật số lại được ''cách ly'' khỏi tất cả các ảnh hưởng kể trên. Và dường như, không chỉ ở Venezuela mà ở bất cứ nước nào trên thế giới, những đồng tiền này đều được phân quyền hoàn toàn để miễn nhiễm với các biến động đang xảy ra. Và đó là lý do tại sao người dân quốc gia Nam Mỹ đã đổ xô chuyển sang khai thác mỏ bitcoin.
Thợ đào mỏ bitcoin và những mối đe dọa ở Venezuela1
Công cụ làm việc của thợ mỏ bitcoin Ảnh chụp màn hình CNBC
Trong hoạt động khai thác bitcoin, thợ mỏ sẽ thực hiện các phép tính toán phức tạp để tạo ra các liên kết mới trong hệ thống giao dịch Blockchain, nền tảng công nghệ đứng sau bitcoin. Được biết, một thợ mỏ ở Venezuela có thể kiếm được khoảng 500 USD mỗi tháng từ công việc này.
Một người cha 29 tuổi giấu tên trong một cuộc phỏng vấn với CNBC cho biết anh đã tham gia vào việc khai thác bitcoin vì mức lương 43 USD/tháng từ công việc nhà nước của anh trước đây không đủ để hỗ trợ cho một gia đình ba người. Ban đầu anh sử dụng trái phép máy tính trong văn phòng để khai thác mỏ. Sau đó, anh quyết định từ bỏ công việc văn phòng và tập trung khai thác mỏ bitcoin bằng cách dùng máy tính riêng tại nhà. “Vì con gái, tôi không sợ phải đối diện với bất cứ nguy cơ nào. Tôi chấp nhận rủi ro vì con tôi. Tôi phải làm điều này để có tiền lo cho con”, người đàn ông giấu tên này cho biết.
Câu chuyện kể trên không có gì xa lạ trong bối cảnh kinh tế khó khăn ở Venezuela. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp các thợ đào mỏ bitcoin đã phải rời quê hương đi đến một nơi khác. David Fernando Lopez là một người như vậy. “Bạn không thể nuôi sống gia đình với đồng lương ít ỏi hằng tháng tại đây. Đó là một thực tế”, Lopez cho biết. Anh đã điều hành một trung tâm khai thác mỏ bitcoin ở thủ đô Caracas trong ba năm, nhưng sau đó phải chuyển đi vì công việc này đang bị chính phủ truy quét.
Khai thác mỏ bitcoin là công việc hợp pháp tại Venezuela, nhưng hiện nay cảnh sát đang tăng cường bắt giữ các thợ mỏ. Khởi đầu là việc bắt và giam giữ hai thợ mỏ Joel Padron và Jose Perales trong vài tháng vào năm 2016. Số lượng các vụ bắt giữ gia tăng đều đặn kể từ thời điểm đó. Khi được hỏi tại sao lại bắt giam những thợ mỏ, các nhà chức trách nước này nói với CNBC rằng đó là hành động “khai thác tài nguyên trái phép”.
Song, đối với một số thợ mỏ, nguyên nhân của động thái này là do chính phủ Venezuela coi các đồng tiền kỹ thuật số là mối đe dọa đối với đồng bolivar đang ngày càng suy yếu. “Những người thợ mỏ bị tống giam, bị cáo buộc là khủng bố, rửa tiền, tội phạm máy tính và nhiều tội ác khác. Mọi việc đang diễn biến rất tệ ở đây và tôi không muốn phí phạm mạng sống vì tiền bạc”, một thợ mỏ giấu tên nói.
Một năm trước, “Tego Sanchez”, biệt danh của một thợ mỏ, đã dành toàn bộ thời gian để khai thác mỏ. Vào thời điểm giá trị đồng ethereum lên cao nhất, anh kiếm được khoảng 20 USD/ngày. Tuy nhiên, giờ đây chàng trai 23 tuổi nói rằng anh luôn cảm thấy lo sợ sau khi bạn của mình bị bắt trong một cuộc đột kích của cảnh sát. Đó cũng là lý do chính khiến phần lớn cộng đồng khai thác mỏ tiền kỹ thuật số của Venezuela chủ yếu hoạt động trong các nhóm bí mật, dùng các ứng dụng nhắn tin mật mã như Telegram và lấy bí danh thay vì tên thật.
“Hiện tôi không có vấn đề gì với lực lượng an ninh quốc gia vì tôi không nói với ai về việc tôi đang làm. Thậm chí những người bạn của tôi cũng không biết tôi đang làm gì. Bà tôi là người duy nhất biết điều này vì tôi đang sống với bà”, Tego Sanchez cho hay.
Theo CNBC, có một cách để các nhà chức trách theo dõi các thợ mỏ. Đó là giám sát lượng điện tiêu thụ trên toàn quốc, bởi vì việc khai thác mỏ tiền kỹ thuật số đòi hỏi một lượng điện năng rất lớn. Những người khai thác mỏ tiết lộ khi chính quyền thấy ai đó đột nhiên đang sử dụng quá nhiều điện, họ sẽ theo dõi. Đầu năm nay, bốn thợ mỏ ở thành phố Charallave đã bị bắt với cáo buộc gây nguy hiểm cho sự ổn định của dịch vụ điện tại thành phố.
Song, càng trong khó khăn những người thợ mỏ ở quốc gia này lại càng sáng tạo ra cách xoay sở. Thợ mỏ Patino cho biết bên cạnh việc sử dụng bí danh, ông còn phân chia thiết bị khai thác mỏ của mình ở ba địa điểm khác nhau qua nhiều lưới điện. Nhưng dù khả năng đối phó linh hoạt cao, công việc khai thác mỏ tiền kỹ thuật số ở Venezuela vẫn là một canh bạc. “Khai thác mỏ bitcoin đã trở thành một điều gì đó như trong một bộ phim trinh thám. Nhiều thợ mỏ phải hoạt động ngầm, một số thợ mỏ bị bắt, số khác thì bị theo dõi, truy tố, và phần lớn đang trải qua sự sợ hãi...”, Patino nói.
Venezuela không chỉ là quốc gia đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế - chính trị sâu sắc, mà còn là một ví dụ điển hình cho thấy tại sao đồng tiền kỹ thuật số như bitcoin ngày càng trở nên quan trọng và là phương tiện thay thế phổ biến cho đồng tiền truyền thống. Trong những điều kiện thách thức, nơi tiền tệ tự nhiên đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát, thì tiền kỹ thuật số là yếu tố không thể tách rời khỏi sự sống còn. “Có thể chúng dễ ''bốc hơi'', nhưng chúng là đại diện cho những giá trị đang thực sự cứu sống cho nhiều người khó khăn ở nhiều nước trên thế giới”, Joe Lubin, nhà đồng sáng lập loại tiền kỹ thuật số ethereum nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.