“Thủ phủ” đồ gỗ đang chết mòn

25/04/2012 03:46 GMT+7

Do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ xuất khẩu ở Bình Định đang đối mặt với nguy cơ khai tử.

Do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ xuất khẩu ở Bình Định đang đối mặt với nguy cơ khai tử.

Với gần 160 DN, trên 25.000 lao động hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu, Bình Định là một trong 4 trung tâm đồ gỗ lớn nhất nước cùng với Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM.

Khó khăn ngày càng nhiều

Trong giai đoạn 2006-2010, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Bình Định đạt trên 1.085 triệu USD, chiếm tỷ trọng gần 61% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, tốc độ tăng trưởng bình quân 16%/năm. Tuy nhiên, trong vòng 3 năm trở lại đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN chế biến gỗ xuất khẩu ngày càng kém hiệu quả.

Ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, cho biết: “Các DN chế biến gỗ xuất khẩu phải đối mặt với lạm phát tăng cao khiến chi phí đầu vào tăng đột biến nhưng giá đầu ra không tăng. Trong năm 2011, số DN gỗ hoạt động có lãi khoảng 15%, hơn 50% bị lỗ, thậm chí đang đứng trên bờ vực phá sản”.

 
DN chế biến gỗ xuất khẩu tại Bình Định đang gặp khó khăn, hàng ngàn lao động đối mặt với nguy cơ thất nghiệp - Ảnh: Ngọc Thái

Theo khảo sát Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, đến tháng 4.2012, chi phí xuất khẩu hàng hóa bình quân 1 container 40 feet tăng 55% (chưa kể tăng lương) so với cuối năm 2011. Trong đó, nguyên liệu tăng gần 10%,  phí vận chuyển trong nước tăng 33%, vận chuyển quốc tế tăng 68%… Lãi suất ngân hàng quá cao, ít nhất là 19%/năm, trong khi lợi nhuận của ngành gỗ thấp nên nhiều DN không dám vay vốn để sản xuất kinh doanh vì không đảm bảo trả lãi vay ngân hàng. Đến cuối năm 2011, tổng số nợ xấu, mất khả năng thanh toán của các DN ở Bình Định lên tới 350 tỉ đồng.

 

Ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, cho biết: “Trong số 25.000 lao động ngành chế biến gỗ xuất khẩu tại Bình Định chỉ có 50% là có hợp đồng lao động còn lại là làm việc theo thời vụ. Năm nay, do có ít đơn đặt hàng, thời hạn nghỉ giữa 2 vụ gỗ mới và cũ có khả năng kéo dài 4 tháng thay vì 2 tháng như mọi năm nên lao động bị thất nghiệp dài. Nếu không có biện pháp giữ chân thì nhiều DN sẽ thiếu lao động trầm trọng khi bắt đầu vụ gỗ mới”.

Ông Điềm khẳng định: “Trong thời gian tới, các DN chế biến gỗ xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp khó khăn do lương cơ bản tăng, Bộ NN-PTNT sẽ áp dụng thuế và hạn ngạch xuất khẩu dăm gỗ, nhà nước hạn chế không cho DN vay ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu gỗ, chi phí vận chuyển tăng...”.

Thay đổi hoặc chờ chết?

Sản phẩm đồ gỗ ngoại thất chiếm tới 94% kim ngạch xuất khẩu gỗ của tỉnh Bình Định và thị trường chủ yếu là châu u. Tuy nhiên, châu u lại đang rơi vào khủng hoảng nợ công nên nhu cầu nhập khẩu ngày càng hạn chế. Ông Điềm nhận định: “Mặt hàng đồ gỗ ngoài trời đã bão hòa trên toàn thế giới, tỷ suất lợi nhuận không còn hấp dẫn như trước. Mặt hàng gỗ nội thất đang phát triển mạnh, nhưng thị phần đồ gỗ nội thất của Việt Nam trên thị trường thế giới còn rất thấp. Muốn tồn tại, các DN chế biến gỗ xuất khẩu Bình Định cần sớm chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm gỗ nội thất và chú trọng hơn đến thị trường trong nước”.

Hiện một số DN chế biến gỗ xuất khẩu tại Bình Định đã chuyển đổi từ sản xuất đồ gỗ ngoại thất sang gỗ nội thất rất hiệu quả. Tỉnh Bình Định cũng ban hành chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất sản phẩm gỗ nội thất. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thâm, Giám đốc Công ty Trí Tín, khẳng định: “Muốn chuyển từ sản xuất đồ gỗ ngoại thất sang sản xuất gỗ nội thất không phải là chuyện dễ. Để đầu tư dây chuyền sản xuất mặt hàng gỗ nội thất chí ít phải có vốn 200 tỉ đồng, DN sản xuất phải chịu lỗ từ 2 đến 3 năm thì hoạt động mới có lãi. Nhưng lãi suất cao như hiện nay thì ai dám vay vốn để sản xuất? Vấn đề chuyển đổi từ sản xuất gỗ ngoại thất sang nội thất đã được các DN tính đến từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa làm được”.

Hoàng Trọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.