Thực phẩm trong "vòng vây" chất cấm: Người tiêu dùng e dè

19/04/2012 20:05 GMT+7

(TNO) Sau khi phát hiện chất tạo nạc ở heo, chất trifluralin ở cá..., việc lên thực đơn ăn uống hằng ngày cho gia đình đang làm "đau đầu" các bà nội trợ. Trước sự đắn đo của người tiêu dùng, tiểu thương lẫn người chăn nuôi đều rơi vào tình cảnh khó khăn.

(TNO) Sau khi phát hiện chất tạo nạc ở heo, chất trifluralin ở cá..., việc lên thực đơn ăn uống hằng ngày cho gia đình đang làm "đau đầu" các bà nội trợ. Trước sự đắn đo của người tiêu dùng, tiểu thương lẫn người chăn nuôi đều rơi vào tình cảnh khó khăn.

Sức mua tại chợ ngày càng yếu

Chị Tạ Thanh Hoa (nội trợ, nhà ở Q.6, TP.HCM) cho biết gần đây chị chẳng biết mua gì cho bữa cơm gia đình nên thuờng đi siêu thị chọn đồ chế biến sẵn. "Đắt một chút nhưng trong lòng cảm thấy an tâm", chị Hoa cho hay.

Sự chuyển hướng trong tiêu dùng như chị Thanh Hoa của nhiều bà nội trợ khác khiến sức mua tại các chợ lẻ ở TP.HCM trở nên đìu hiu, ế ẩm. Ghi nhận tại các chợ lớn ở TP.HCM như: Thái Bình, Tân Định (Q.1), chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh)… cho thấy sức mua giảm sút mạnh, kéo theo tình cảnh ế ẩm của nhiều tiểu thương.

Bà Lệ, tiểu thương bán thịt heo gần 50 năm ở chợ Thái Bình (Q.1) cho biết, trước đây một ngày bà bán được 50 - 60 kg thịt heo nhưng dạo này, lấy 15 kg vẫn “vừa bán vừa chơi”.

Cùng cảnh ngộ, ông Vỹ, chủ sạp thịt ở chợ Tân Định (Q.1) cũng cho biết thu nhập của ông giảm gần 50% vì chỉ bán được 30 kg thịt heo mỗi ngày thay vì 50 kg thịt như trước đây.

Không chỉ có thịt heo, sức mua các mặt hàng hải sản như tôm, cá, cua, nghêu, sò cũng yếu hẳn. Ông Trần Minh Hà, tiểu thương bán cua ở chợ Tân Định, cho biết có ngày chẳng bán được con nào. Do đó để vớt vát vốn, ông đã hạ giá rất thấp, nhưng cũng chẳng thu hút lượng nguời mua thêm bao nhiêu.

Lý giải cho hiện tượng này, ông Nguyễn Thành Châu, Phó ban quản lý chợ Thái Bình cho biết, tâm lý e dè của người dân khiến chợ vắng hơn so với trước, dù sáng nào lực lượng thú y cũng kiểm tra thịt nhập chợ của 21 hộ kinh doanh tại đây. Thêm nữa, lượng nguời mua hàng ở siêu thị thay vì đi chợ truyền thống ngày càng lớn, khiến sức mua tại chợ sụt giảm.


Sức tiêu thụ thực phẩm hải sản tươi sống ở các chợ đang giảm mạnh - Ảnh: Lê Cầm

Đại diện Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền (Q.8, TP.HCM) cũng thừa nhận thông tin cá nhiễm chất cấm những ngày qua đã ảnh hưởng tới các tiểu thương đang kinh doanh mặt hàng này. Thậm chí nhiều tiểu thương đến văn phòng của công ty đề nghị giúp đỡ do không bán được hàng.

“Tiểu thương thấy cá đảm bảo khối lượng, còn sống và không trầy vi tróc vẩy, không có biểu hiện của bệnh tật thì đồng ý nhập hàng bán. Họ đâu có đủ khả năng và thời gian để kiểm tra dư lượng các chất hóa học trên từng sản phẩm được”, đại diện Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền cho biết.

Tuy nhiên, hiện có đến ba cơ quan có chức năng kiểm tra chất lượng cùng “đóng chốt” tại chợ Bình Điền để thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Người tiêu dùng không nên quá lo lắng, e dè khi vào chợ mua thực phẩm, đại diện Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền trấn an.

Cứu người chăn nuôi

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, sự cố chất tạo nạc gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi heo hàng trăm tỉ đồng. Với giá bán giảm từ 50.000 đồng/kg xuống còn 40.000 đồng/kg, chỉ tính riêng huyện Thống Nhất (Đồng Nai), mỗi ngày đưa ra thị trường 1.400 - 1.500 con heo thịt thì người chăn nuôi ở huyện này thiệt hại đến 1,4 - 1,5 tỉ đồng/ngày.

“Hôm nay cơ quan chức năng kiểm tra chất này, ngày mai kiểm tra chất khác, cộng với thông tin trên báo chí không có sự định hướng và khá chủ quan. Những điều này đang khiến người chăn nuôi kiệt quệ và mất định hướng”, ông Công nói.

Ông Trần Văn Hạc, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Việt Nam cho biết sự cố chất tạo nạc đã làm giá thịt heo trên thị trường tụt giảm nghiêm trọng. Sự thua thiệt này lại rơi vào người chăn nuôi nhỏ lẻ với số lượng 5 - 10 con/hộ vì heo bán ra không ai mua, còn thương lái thì ép giá. Riêng các công ty chăn nuôi có thương hiệu lớn cũng bị ảnh huởng nhưng không nhiều vì họ đã có sẵn nguồn đầu ra ổn định.

Một câu hỏi đặt ra: Liệu sự cố chất tạo nạc, trifluralin sẽ tạo cơ hội cho thịt nhập khẩu? Bởi sự cố này sẽ khiến người nuôi chán nản, bỏ đàn nhưng khi thị trường có nhu cầu trở lại, chăn nuôi trong nước không đáp ứng kịp buộc phải nhập khẩu thịt.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là điều có thể xảy ra nhưng không cần quá lo lắng. Nhà nước vẫn có thể điều tiết hài hòa, tạo thuận lợi cho chăn nuôi trong nước bằng chính sách thuế, hạn chế lượng thịt nhập. Ngoài ra thế mạnh của thịt nhập khẩu là những mặt hàng phụ phẩm giá rẻ, vì hàng đông lạnh thường không được tươi ngon nên kém sức cạnh tranh. Trước mắt nên có chính sách hỗ trợ người nuôi nhỏ lẻ để giảm thiểu thiệt hại, giúp họ yên tâm sản xuất.

Chiều nay (19.4), Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã có cuộc họp với 500 - 600 trang trại ở tỉnh để trả lời những bức xúc cũng như giải tỏa tâm lý các hộ chăn nuôi. Cuộc họp cũng có sự tham dự của các nhà sản xuất, phân phối thức ăn, giết mổ, siêu thị… để tạo ra sự liên kết, phát triển bền vững.

Lê Na - Lê Cầm - Trung Hiếu

>> Điều tra nguồn gốc chất cấm của 11 hộ chăn nuôi
>> Bộ NN-PTNT trả lời vụ “cho nhập chất cấm”
>> Chất cấm tạo nạc có thể "giết chết" ngành chăn nuôi heo
>> Thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng vì chất cấm
>> Đồng Tháp: Không có chuyện cá điêu hồng nhiễm chất cấm
>> Xuất khẩu thủy sản đối mặt nguy cơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.