Thương mại ngày càng lệ thuộc khối FDI

27/08/2016 07:33 GMT+7

7 tháng đầu năm, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu đạt hơn 12,06 tỉ USD, mức kỷ lục nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế tài chính, chưa vội mừng với những tín hiệu lạc quan của... người khác.
Số liệu thống kê xuất nhập khẩu do Tổng cục Hải quan công bố hôm 15.8 cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của VN 7 tháng đầu năm đạt 191,63 tỉ USD, chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu đạt 96,99 tỉ USD, tăng 5,4% và nhập khẩu đạt hơn 94,74 tỉ USD, giảm 1,2%. Điều đáng nói là cả hai chiều xuất và nhập khẩu, doanh nghiệp (DN) FDI đều chiếm ưu thế. 7 tháng đầu năm, khối FDI kim ngạch xuất khẩu đạt 67,599 tỉ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ, chiếm gần 70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhập khẩu khối này đạt 55,536 tỉ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ, chiếm 58,62% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Như vậy, xuất siêu của cả nước trong 7 tháng đầu năm đạt 2,25 tỉ USD, trong khi DN FDI xuất siêu đến 12,063 tỉ USD. Đây là mức xuất siêu lớn nhất của DN FDI từ trước đến nay.
Xuất siêu chớ vội mừng
Theo GS TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, con số này là tín hiệu tốt trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực châu Á có kim ngạch xuất khẩu đang có dấu hiệu sụt giảm. “Trong 200 quốc gia xuất khẩu lớn, VN hiện nằm trong nhóm 37 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu trên 100 tỉ USD mỗi năm. Xuất khẩu cả nước dự kiến tăng 10%, nhưng đến nay chỉ tăng 5,4%, thấp hơn kế hoạch rất nhiều. Song nếu so sánh với thương mại quốc tế đang giảm 11% và so với xuất khẩu của Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đang giảm thì việc VN xuất siêu tăng mạnh là một nỗ lực lớn đáng ghi nhận. Nếu không có khu vực FDI, chúng ta không có xuất siêu khủng như vậy và cũng không có vị thế thương mại trên thị trường quốc tế như hiện nay. Thứ nữa, xuất siêu giúp dự trữ ngoại tệ tăng, sẽ tốt cho nền kinh tế tài chính”, GS Nguyễn Mại phân tích.
Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu, số liệu này cho thấy thương mại VN đang phụ thuộc quá lớn vào khu vực FDI. Có 19 nhóm sản phẩm đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD (9 nhóm sản phẩm xuất khẩu đạt trên 2 tỉ USD), chiếm đến 84% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Trong đó, các nhóm hàng có giá trị xuất khẩu lớn và kim ngạch đều tăng như: dệt may, máy vi tính, điện tử và linh kiện, giày dép, rau quả… “Những mặt hàng này đa số là của DN FDI, người Việt chỉ chế biến thành phẩm, làm công ăn lương chứ không ở vị trí then chốt. Nếu DN FDI có chuyển giao công nghệ, có giúp DN trong nước phát triển nội lực nhằm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm trong nước xuất khẩu thì xuất siêu là điều đáng mừng. Đằng này, nhìn vào các con số thặng dư thương mại cho thấy, chúng ta đang phụ thuộc hoàn toàn vào một số DN lớn trong khối FDI, thuần gia công. Chính vì gia công nên mức độ hưởng lợi của VN từ xuất siêu không đáng kể. Điều quan trọng là xuất khẩu ngày càng lệ thuộc vào khối FDI thì không nên quá vui mừng”, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích và cho biết thêm, đúng là xuất siêu giúp dự trữ ngoại hối của VN đang tăng, dự báo khoảng 40 tỉ USD trong năm nay. “Song những con số này không mang tính bền vững, không nói lên thực lực của mình và không phải nguồn lợi mà chúng ta mong chờ khi nỗ lực thu hút FDI. Thậm chí, đây cũng là điều cho thấy, bao năm qua, dù nỗ lực tăng cường đề kháng, vitamin cho khối DN nội, nhưng sức khỏe của DN trong nước cũng chưa mạnh như kỳ vọng”, TS Hiếu nói thêm.
Phải phát triển nội lực bằng mọi giá
Bàn về vấn đề nội lực, chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long nói ngay: “Xuất siêu là tín hiệu tích cực bởi tạo nhiều công ăn việc làm, tăng thu ngân sách nhưng về dài hạn, nếu cứ để tình trạng “xuất hộ” khu vực FDI thì không ổn. Xuất khẩu tăng mạnh mà không có bóng dáng DN trong nước ở vị trí then chốt, toàn gia công, lắp ráp thì giá trị gia tăng đem lại từ nền kinh tế, tác động lan tỏa vào khu vực DN nội không cao. Thứ nữa, nền kinh tế quá phụ thuộc vào “người ngoài” thì nội lực chưa thể nói là mạnh. Nếu chưa mạnh, tính tự chủ sẽ không cao được”.
Trong tâm thế nội lực chưa mạnh, lại quá phụ thuộc vào DN FDI, TS Nguyễn Trí Hiếu đặt hàng loạt giả thiết, giả sử giá nhân công lao động của VN không còn hấp dẫn như một số quốc gia mới nổi khác, chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài của VN “siết” chặt hơn, thay đổi hoặc giảm thời hạn miễn giảm thuế, thay đổi chính sách ưu đãi thuê đất, tiền đồng mất giá trầm trọng hoặc thậm chí bất đồng quan điểm giữa chính phủ và nhà đầu tư quá lớn, không thể giải quyết, lúc đó sẽ có nhà đầu tư nước ngoài ra đi, như đã từng xảy ra tại một số quốc gia trên thế giới.
“Tất cả chỉ là giả thiết, song nếu nguồn thu từ khu vực FDI sụt giảm, chắc chắn nền kinh tế của chúng ta chịu hụt hẫng lớn”, TS Hiếu dự báo và dẫn câu chuyện vào năm 1994, do đồng peso Mexico mất giá trầm trọng, ảnh hưởng đến nguồn vốn, mất nguồn tiền gửi ngân hàng khiến hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là Mỹ đã rút khỏi quốc gia này.
Thực tế, sau nhiều năm báo động VN rơi vào tình trạng nhập siêu quá lớn, sự đảo chiều trong cán cân thương mại, chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu luôn được dư luận hân hoan đón nhận. Bởi không thể phủ nhận, điều này cho thấy lợi ích mang lại cho nền kinh tế đã chuyển biến tích cực hơn. Song theo phân tích và nhận định của đa số chuyên gia kinh tế, diễn biến này về dài hạn lại đáng lo. “Xuất siêu chủ yếu dựa vào giảm nhập, chứ không hẳn do năng lực cạnh tranh hay năng suất của nền kinh tế mang lại. Trong tình hình VN gần như đang nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc phục vụ làm gia công xuất khẩu, DN nội còn bấp bênh chưa đứng vững bằng chính đôi chân của mình, việc tạo điều kiện phát triển nội lực là nhiệm vụ cấp bách và không có sự lựa chọn nào khác”, ông Ngô Trí Long nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.