Thuyền buồm "Made in Vietnam" xuất khẩu

22/03/2009 12:20 GMT+7

(TNO) Một ngày tháng ba, có mặt tại xưởng đóng thuyền Corsair Marine International nằm bên bờ sông Sài Gòn thuộc phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh đóng thùng để xuất khẩu những chiếc thuyền buồm loại du lịch và thể thao vốn dành cho giới quí tộc.

Đại diện Corsair Marine International cho biết, đây là một trong năm chiếc  thuyền buồm do đơn vị sản xuất theo đơn đặt hàng của khách hàng tại Mỹ, Đức, Pháp và Hà Lan. Loại thuyền ba thân này có chiều dài khoảng 12m, chiều ngang khi trải rộng là 10m, sức chứa từ 5 đến 7 người.

Loại thuyền này hiện rất phổ biến đối với dân chơi thuyền buồm khắp thế giới vì tính đa dụng của nó. Những chiếc thuyền buồm sang trọng, lịch sự, trị giá vài trăm ngàn USD này mang nhãn hiệu Made in Vietnam. 

Anh Trần Hữu Hạnh, công nhân Công ty TNHH Corsair Marine International tự tâm sự: "Thuyền buồm này giá rất đắt, mà anh em chúng tôi làm được nên chúng tôi rất tự hào, mai mốt sẽ có nhiều thuyền buồm mang tên Việt Nam có mặt tại những bãi biển đẹp trên thế giới".

 

 Công nhân Việt Nam tự hào với sản phẩm được xuất khẩu của mình - Ảnh: M.Cường

Từ đầu năm 2009 đến nay, Corsair Marine International đã xuất xưởng được sáu chiếc thuyền buồm và chuyển giao cho khách hàng ở Mỹ và Úc. Kỹ sư Jame Gus, người được thuê làm nhiệm vụ giám sát kỹ thuật Corsair Marine International cho biết, một chiếc thuyền buồm cỡ vừa tại Mỹ ít nhất cũng 250.000 USD, nếu đóng tại Việt Nam, giá chỉ khoảng một nửa. Hiện tại, có năm mẫu thuyền được đặt làm tại đây, giá mỗi chiếc dao động từ 50 đến 90 ngàn USD.

Thuyền buồm là phương tiện sang trọng dành cho những chuyến đi nghỉ dài ngày trên biển, đặc biệt dùng trong những cuộc đua thuyền. Do vậy, sản xuất thuyền buồm rất khó vì phải đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật như: tàu nổi, đáy tàu không cản nước, vận hành tốt trong mọi điều kiện thời tiết.

Khó nhất vẫn là công đoạn đóng thân thuyền. Làm thế nào để thân thuyền có thể cứng như thép nhằm chống lại những va chạm mạnh từ bên ngoài nhưng không làm mất đi vẻ mềm mại, duyên dáng cần thiết. Các công đoạn này vì thế được thực hiện rất kỹ lưỡng.

Kỹ sư Jame cho biết thêm, bí quyết của tiêu chí chắc, bền chính là cách sử dụng hợp lý nguyên vật liệu composite và các loại sợi carbon. Loại vải sợi này trong trạng thái vật liệu rất mềm nhưng khi được kết dính với composite và một số hóa chất khác thì tạo nên một kết cấu vững chắc và có độ nhẹ tối thiểu. 

Tại Việt Nam, thuyền buồm chưa được nhiều người biết đến, công nghệ đóng thuyền buồm cũng chưa phổ biến.

Việt Nam từng là điểm đến của nhiều cuộc đua thuyền buồm quốc tế và với lợi thế vùng biển rộng và đẹp, tin chắc phong trào chơi và đua thuyền buồm sẽ phát triển trong tương lai, nghề đóng thuyền buồm theo đó cũng được mở rộng hơn.

Sản xuất được thuyền buồm, kích thích phong trào chơi và đua thuyền buồm không chỉ phát triển được du lịch biển mà còn có cơ hội xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài lớn hơn nhiều. 

Hoàng Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.