Tỉ phú lúa giống

09/01/2016 08:46 GMT+7

Nhờ cần cù lao động và mạnh dạn áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mà anh Nguyễn Hoàng Diệu từ nghèo khó đã vươn lên trở thành tỉ phú nông dân trẻ nhất của tỉnh Đồng Tháp.

Nhờ cần cù lao động và mạnh dạn áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mà anh Nguyễn Hoàng Diệu từ nghèo khó đã vươn lên trở thành tỉ phú nông dân trẻ nhất của tỉnh Đồng Tháp.

Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật mới, ruộng lúa anh Diệu luôn đạt năng suất cao - Ảnh: Đặng NgọcNhờ áp dụng quy trình kỹ thuật mới, ruộng lúa anh Diệu luôn đạt năng suất cao - Ảnh: Đặng Ngọc
Bỏ học về làm ruộng
Anh Diệu (38 tuổi, ngụ ấp Tân Bảnh, xã Tân Phước, H.Tam Nông) cho biết do cha mất sớm nên mới học xong lớp 5 anh đành bỏ lớp để cùng mẹ làm ruộng nuôi các em. Mặc dù được tiếp xúc với ruộng đồng từ rất sớm, nhưng do kiến thức ít ỏi, không hiểu nhiều kỹ thuật tiến bộ nên năng suất lúa chỉ ở mức trung bình. Nếu năm nào dịch bệnh hoành hành và rầy nâu tấn công thì xem như thất mùa. Năm 18 tuổi, anh Diệu tình cờ xem tivi thấy đoạn phóng sự nói về nông dân An Giang sản xuất lúa đạt năng suất cao mà hạn chế được rầy, giảm phân thuốc nên anh quyết tâm tìm cách học tập để làm theo. Không lâu sau anh Diệu được Trạm bảo vệ thực vật huyện giới thiệu tham gia lớp học IPM (quản lý dịch hại tổng hợp).
Sau khóa học, anh về nhà áp dụng cách san phẳng mặt ruộng trước khi gieo sạ, giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Và bất ngờ, ở vụ đầu tiên sau khi áp dụng quy trình canh tác mới, năng suất lúa của anh Diệu đạt gần 10 tấn/ha, cao hơn từ 25 - 30% so với làm lúa theo cách truyền thống. Nối tiếp thành công, những vụ sau anh đều thắng lớn. Anh Diệu cho biết: “Phun thuốc bảo vệ thực vật chỉ bảo vệ cây lúa, còn yếu tố đạt năng suất là phụ thuộc vào phân bón và lượng nước cân đối trong mùa vụ. Chính vì vậy, muốn tăng năng suất lúa phải đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng. Ngoài ra, theo từng điều kiện cụ thể mà áp dụng các phương pháp sản xuất phù hợp”.
Làm giàu từ lúa
Năm 2004, anh Diệu lập gia đình và ra ở riêng với 1 ha ruộng được mẹ cho làm “vốn”. Nhờ những kỹ thuật được học cùng với những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn sản xuất, nhiều năm liền, ruộng lúa của anh Diệu đều đạt năng suất cao, bán được giá. Sau đó anh dành dụm tiền mua thêm 1 ha đất sản xuất. Cứ thế nở nồi, hiện nay anh Diệu đã có trong tay gần 15 ha đất ruộng, sản xuất 3 vụ/năm và anh còn dự định sẽ mở rộng diện tích thêm khoảng 5 - 7 ha trong tương lai.
Thời gian qua, do giá lúa bấp bênh, đầu ra khó khăn cộng thêm ở vùng biên giới mỗi khi bà con tìm mua lúa giống vô cùng vất vả, nhiều người lấy lúa thương phẩm để làm giống nên đạt năng suất không cao. Từ thực tế đó, năm 2010, anh Diệu quyết định chuyển 50% diện tích đất hiện có sang sản xuất lúa giống. Anh Diệu cho biết: “Làm lúa giống không sợ ế vì đã có một công ty đứng ra ký kết hợp đồng thu mua. Lúa chín thì đã có tổ thu hoạch đến làm tất cả các khâu, anh chỉ đợi nhận tiền xem như xong một vụ. Tuy sản xuất lúa giống có tốn công hơn sản xuất lúa hàng hóa nhưng lợi nhuận cao gấp đôi”.
Sau khi những vụ đầu thành công với sản xuất lúa giống, đến nay anh Diệu đã chuyển toàn bộ 15 ha đất sản xuất qua làm lúa giống 3 vụ/năm, lời hơn 700 triệu đồng/năm. “Làm ruộng nhiều nên tôi thuê 10 lao động để phụ giúp giải quyết công việc đồng áng cho gia đình, vừa tạo được công ăn, việc làm cho bà con trong xóm. Bây giờ, nghe nơi đâu có hội thảo về cây lúa là tôi lại mò đến dự để nắm bắt thông tin cho bản thân”, anh Diệu chia sẻ. Thời gian qua, những kỹ thuật, kinh nghiệm tích lũy được anh Diệu sẵn sàng chia sẻ với bà con xung quanh để mọi người cùng áp dụng làm lúa đạt năng suất cao. Đã có rất nhiều bà con và người thân trong gia đình làm ruộng theo quy trình của anh đạt năng suất đạt 12 tấn/ha (trong vụ đông xuân). Anh Diệu từng được UBND tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen cho nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trẻ nhất của tỉnh, lúc đó anh mới 26 tuổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.