Tỉ phú Thái và hạnh duyên nước Việt

09/02/2016 13:00 GMT+7

'Nào, chúng ta đi ăn 'cúi tỉu' (hủ tíu) rồi nói chuyện tiếp. Tôi biết chỗ này ăn ngon lắm', nói rồi ông dẫn tôi đến một tiệm ăn bình dân nằm trong con hẻm nhỏ gần công ty tại Bangkok.

'Nào, chúng ta đi ăn 'cúi tỉu' (hủ tíu) rồi nói chuyện tiếp. Tôi biết chỗ này ăn ngon lắm', nói rồi ông dẫn tôi đến một tiệm ăn bình dân nằm trong con hẻm nhỏ gần công ty tại Bangkok.

Chủ quán gặp khách quen, cười tươi rói. Nhưng có lẽ ông cũng chẳng biết người khách này chính là tỉ phú Thái Lan Supachai Verapuchong - “ông trùm” ngành dược phẩm không chỉ ở Thái mà còn ở Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar.
Kinh doanh bằng tinh thần Phật giáo
Phỏng vấn ông Supachai có cảm giác như đang trò chuyện với một ông thầy giáo hơn là một tỉ phú tiền đếm không xuể. Chẳng thấy ông đả động gì đến những hợp đồng kếch xù, những thương vụ hàng chục triệu USD mà chỉ là câu chuyện về những mảnh đời nghèo khổ mà ông đã từng gặp, về những trăn trở, suy nghĩ của mình về con người, về cách sống sao cho phải đạo.
Tôi tham gia học bổng Nguyễn Thái Bình 
của Báo Thanh Niên vì tôi muốn sinh viên nghèo biết rằng nếu chăm chỉ, cố gắng học tập họ sẽ không bị bỏ rơi
“Tôi may mắn sinh ra trong gia đình có điều kiện, không phải lột xác, đổi đời từ nghèo khổ như nhiều tỉ phú khác”, Supachai cười cười nói. Ông nói không sai, nhưng nếu người cha có công tạo nền móng vững chắc thì tỉ phú Supachai chính là người “bành trướng” sự nghiệp lớn mạnh hơn tại những nước Đông Nam Á. “Ngay từ lúc học trung học cơ sở, vào dịp hè tôi đều được cha dẫn đi theo mỗi khi gặp khách để tôi quan sát, học cách ứng xử”, ông kể.
Năm 1986, sau khi lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Mỹ, Supachai về làm cho cha, phụ trách việc tiếp thị và buôn bán ở những tỉnh nghèo miền bắc Thái Lan. Mấy năm liên tục lăn lộn với dân nghèo cũng đủ để anh hiểu rõ nỗi khổ khi không có tiền mua thuốc. “Làm sao để có thuốc tốt nhất với giá rẻ mà mọi người đều có thể mua?”, câu hỏi này cứ đau đáu trong ông. Thời điểm đó, thị trường thuốc giảm đau hạ sốt tại Thái Lan do Decolgen (Philippines) thống trị. “Chỉ cần ráng làm thuốc chất lượng thật tốt, giá rẻ, mình lại là người Thái thì không có lý gì đồng bào Thái không ủng hộ”, ông kể. Từ niềm tin ấy cùng kinh nghiệm đủ lâu, ông Supachai cùng cha quyết tâm đấu với gã khổng lồ Decolgen. Cuối cùng, viên Tiffy ra đời. Nói vậy, nhưng cuộc chiến giữa chàng tí hon Tiffy khi đó và gã khổng lồ Decolgen cũng phải dằng dai đến... 20 năm sau, Tiffy mới chính thức giành được ngôi vương độc bá thị trường thuốc giảm đau hạ sốt từ tay Decolgen.
Theo Supachai bí quyết thành công chính là chọn đường đúng, và có đạo đức kinh doanh. Hãy dành nhiều thời gian để suy nghĩ, chiêm nghiệm về con đường mình đi, để xác định rõ con đường đúng. Khi xác định được rồi thì cứ thế mà đi. “Đạo Phật không đặt mốc thời gian để hoàn thành một việc nào đó. Không cưỡng cầu, chuyện gì đến sẽ đến. Nếu lúc đó chúng tôi đặt ra mục tiêu 5 năm, 10 năm phải giành lại thị trường, không làm được tôi sẽ thất vọng, ráng thêm vài năm nữa rồi cũng bỏ cuộc. Và như vậy bây giờ làm gì có thương hiệu Tiffy”, ông nói. Còn đạo đức kinh doanh? Supachai chỉ trả lời bằng một câu đơn giản: “Thuốc chúng tôi sản xuất cho người tiêu dùng cũng chính là thuốc mỗi khi con, gia đình tôi bệnh vẫn yên tâm sử dụng. Thế thôi”.
Tỉ phú Thái và hạnh duyên nước Việt 1Ông Supachai (đầu tiên bên trái, hàng thứ hai) trong một lần trao học bổng Nguyễn Thái Bình - Báo Thanh Niên - Ảnh: NVCC
Xem Việt Nam như quê hương
Supachai kể, cha dạy ông rằng khi đầu tư vào đất nước nào, phải nghĩ đó là đất nước của mình thì mới tận lực phát triển. Và ông đã lấy lời dặn của cha làm hành trang khi mở rộng thị trường sang Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar. Cũng vì vậy, ở Việt Nam bên cạnh việc phát triển kinh doanh, ông Supachai còn kết hợp với ngành y tế từ trung ương đến địa phương để cung cấp thuốc cho người nghèo, trại trẻ mồ côi... Ngoài ra ông còn dành ngân sách của công ty khoảng 1 tỉ đồng mỗi năm cho việc từ thiện, trong đó có đồng hành cùng học bổng Nguyễn Thái Bình - Báo Thanh Niên.
Hiện tại, dù bận rộn với việc điều hành 13 công ty ở Đông Nam Á, nhưng những chuyến đi từ thiện hiếm khi nào vắng mặt tỉ phú Supachai. Dù là một “ông trùm” ngành dược phẩm, sở hữu hệ thống khách sạn, resort 5 sao hàng đầu châu Á... ông vẫn ngồi xe cả ngày, lặn lội đến những vùng miền núi xa xôi như Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai... để đích thân trao học bổng, trò chuyện với những hoàn cảnh nghèo khó. “Tôi tham gia học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên vì tôi muốn sinh viên nghèo biết rằng nếu chăm chỉ, cố gắng học tập họ sẽ không bị bỏ rơi”, ông nói.
Supachai kể đợt trao học bổng cho sinh viên tại Yên Bái vừa qua, khi ông hỏi về kế hoạch tương lai của một em sinh viên sau khi ra trường thế nào, em ấy đã trả lời sẽ trở về quê hương để giúp lại những hoàn cảnh nghèo khó khác. “Đó là điều tôi tâm đắc và cảm thấy được rõ nhất ý nghĩa của việc trao học bổng. Tôi muốn giúp họ để sau này có điều kiện họ lại giúp người khác. Lòng tốt cứ thế sẽ được lan tỏa ngày càng rộng hơn”, ông nói.
Không chỉ làm từ thiện, ông còn nỗ lực kết nối giao lưu hợp tác giữa các nước trong khu vực. Ngày 9.11.2015 tại Bangkok, lần đầu tiên một cơ quan truyền thông ở Việt Nam ký kết hợp tác song phương với một cơ quan truyền thông nước ngoài về cả nội dung lẫn kinh tế báo chí, được đánh dấu bằng thỏa thuận giữa Báo Thanh Niên với Báo Matichon (Thái Lan). Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ từ nỗ lực kết nối của tỉ phú Supachai. “Cộng đồng ASEAN hình thành vào cuối năm 2015 nên nhu cầu tìm hiểu thông tin giữa doanh nghiệp các nước sẽ rất cao. Và kênh hiệu quả nhất để chia sẻ thông tin đó chính là báo chí. Tôi yêu Thái Lan và Việt Nam nên chỉ muốn góp một tay để người dân hai nước hiểu nhau hơn thôi”, ông nói.
Tỉ phú Thái Lan Supachai Verapuchong hiện là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thai Nakorn Patana với khoảng 5.000 nhân viên chuyên sản xuất, kinh doanh về dược phẩm đứng đầu Thái Lan và Lào, là một trong ba “ông trùm” dược phẩm hàng đầu Việt Nam, Myanmar và Campuchia.
Ngoài ra, Supachai còn sở hữu thêm... 12 công ty khác. Trong đó có cụm khách sạn, resort, sân golf 5 sao trong top 10 châu Á là Sofitel Krabi (Thái Lan), Sofitel Angkor và Sofitel Phnom Penh (Campuchia), kênh phát thanh FM 98 MHz và kênh truyền hình số 5 (TV chanel 5) ăn khách nhất Campuchia hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.