Tiền tệ châu Á sắp kết thúc 20 năm tăng giá

Thu Thảo
Thu Thảo
07/03/2018 21:26 GMT+7

Bloomberg nhận định các loại tiền tệ châu Á có thể đang trên bờ vực điều chỉnh sau khi đi qua năm tốt nhất trong ít nhất hai thập niên.

Cụ thể, dấu hiệu cảnh báo là việc rupiah Indonesia hạ xuống mức thấp nhất trong hai năm qua hồi tuần trước. Rupiah được xem là chỉ báo của các loại tiền tệ châu Á vì trái phiếu nước này có tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao.
Đồng rupiah thường nằm trong số các đồng tiền đầu tiên trong khu vực bị bán ra khi tâm lý nhà đầu tư thay đổi, và điều này thường báo hiệu đợt sụt giảm lớn hơn đối với các đồng tiền khác trong khu vực. Tháng 1.2016, chỉ số Asia Dollar hạ xuống đáy bảy năm, vài tháng sau khi rupiah hạ xuống mức yếu nhất từ năm 1998.
Rupiah hạ 1,6% tháng qua, thể hiện tệ nhất trong các loại tiền tệ châu Á và tệ thứ ba trong các loại tiền tệ của 24 thị trường mới nổi toàn cầu. Rupiah giảm giá khi các nhà đầu tư bán cổ phiếu, trái phiếu Indonesia, biến động vốn chứng khoán tăng lên vì dự báo lãi suất Mỹ lên cao.
Chỉ số Bloomberg JPMorgan Asia Dollar đo lường 10 loại tiền tệ ở khu vực với USD, tăng 6,7% năm ngoái, mức tăng mạnh nhất từ khi dữ liệu được tổng hợp vào năm 1994. Nếu rupiah thực sự là chỉ báo, chỉ số này sẽ quay ngược đáng kể trong năm nay.
Các loại tiền tệ trong khu vực có thể chịu ảnh hưởng khi USD phục hồi. Đô la Mỹ tăng giá từ khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đưa ra thông điệp tích cực trước giới lập pháp Mỹ vào tuần trước. Ông Powell thừa nhận rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ thúc đẩy đồn đoán rằng Fed có thể tăng lãi suất đến bốn lần trong năm 2018.
Cũng có nhiều dấu hiệu khác cho thấy các loại tiền tệ châu Á bắt đầu yếu đi. Đồng peso Philippines giảm xuống mức thấp nhất từ tháng 7.2006 hồi tháng trước. Won Hàn Quốc và rupee Ấn Độ đều giảm xuống mức đáy ba tháng trong tháng 2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.