Tiêu thụ nông sản: Các bộ 'đá bóng' trách nhiệm

28/04/2015 06:30 GMT+7

'Nếu không có chính sách đàng hoàng thì nông sản còn ách tắc trong tiêu thụ khi các bộ 'đá bóng' trách nhiệm nhưng phối hợp kém', ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, bày tỏ quan điểm tại tọa đàm chủ đề: Tiêu thụ nông sản , liên kết từ sản xuất đến thị trường, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 27.4, tại Hà Nội.

“Nếu không có chính sách đàng hoàng thì nông sản còn ách tắc trong tiêu thụ khi các bộ “đá bóng” trách nhiệm nhưng phối hợp kém”, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, bày tỏ quan điểm tại tọa đàm chủ đề: Tiêu thụ nông sản, liên kết từ sản xuất đến thị trường, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 27.4, tại Hà Nội.
Người dân Hà Nội mua dưa ủng hộ nông dân miền Trung - Ảnh: Ngọc ThắngNgười dân Hà Nội mua dưa ủng hộ nông dân miền Trung - Ảnh: Ngọc Thắng
Ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), cho rằng để giải quyết tiêu thụ nông sản cho nông dân, việc tạo ra chính sách quy hoạch điều tiết thị trường là cần thiết. Thực tế, ngành nông nghiệp có quy hoạch cụ thể cho nhiều mặt hàng nông sản, đến từng giai đoạn và thị trường mục tiêu. Nhưng khó nhất là bị phá vỡ quy hoạch do lợi nhuận trước mắt. Dẫn chứng cà phê quy hoạch diện tích chỉ có 520.000 ha nhưng thực tế lên tới 620.000 ha, còn cao su quy hoạch 800.000 ha nhưng lên hơn 1 triệu ha, ông Thừa cho rằng trong tái cơ cấu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, cần đặc biệt quan tâm đến chính sách quy hoạch.
Dẫn chứng từ câu chuyện khó tiêu thụ dưa hấu của các tỉnh nam Trung bộ, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho rằng có thị trường biên giới ổn định, vùng sản xuất tương đối tập trung nhưng khâu tổ chức sản xuất chưa tốt. Giữa doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, nông dân chưa có sự liên kết.
“Nói phối hợp nhiều nhưng làm yếu nhất”
Bày tỏ quan điểm ở góc độ DN về quá trình thực hiện Quyết định 80/2002/QĐ-TTg trong liên kết “4 nhà” và nhiều chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay, ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng vẫn còn có tình trạng đủng đỉnh, chậm thay đổi trong khi mô hình sản xuất có nhiều đổi mới. Ở ngành cá tra, năm 2002, VN chỉ có 5% sản lượng cá tra do DN chế biến nuôi, còn bây giờ là 70%, DN đang hỗ trợ nông dân từ giống, kỹ thuật đến bao tiêu sản phẩm.
“Trong cơ chế quản lý giữa các bộ ngành, hai từ phối hợp luôn được nói đến nhiều nhất nhưng đây chính là khâu yếu nhất. Giữa các bộ ngành “đá bóng” trách nhiệm thì rất giỏi trong khi phối hợp với nhau lại rất kém. Không ai đôn đốc, giám sát. Địa phương, liên vùng có làm sai cũng chưa có quy chế phạt thì quy hoạch cái gì, bên vẽ cứ vẽ, bên làm cứ làm. Nếu không có chính sách giải quyết từ địa phương thì nông sản VN vẫn còn ách tắc”, ông Dũng cảnh báo.
Cũng theo ông Dũng, trong phân công bộ máy, Bộ Công thương không phải là người đi bán nông sản, việc quản lý chuỗi sản xuất vẫn phải do Bộ NN-PTNT. “Trên thực tế, bộ này có làm, giao hẳn cho một cục nhưng lực lượng làm việc thì mỏng quá. DN gọi vui là “cục sọ dừa” vì không có tay chân gì cả. Đã đến lúc sản xuất nói chung và bán hàng phải đặt trách nhiệm cho Bộ NN-PTNT”, ông Dũng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.