Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 6: Kích thích tiêu dùng cứu doanh nghiệp

07/07/2012 03:20 GMT+7

Giảm giá hàng tồn kho; đưa hàng hóa về nông thôn, khu công nghiệp; hỗ trợ lãi suất, tăng cường sức cạnh tranh của hàng Việt, đẩy mạnh xuất khẩu... Đó là những đề xuất của các chuyên gia để kích thích sức mua trên thị trường, cứu doanh nghiệp (DN).

Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 6: Kích thích tiêu dùng cứu doanh nghiệp
Doanh nghiệp không mặn mà với gói cứu trợ thuế - Ảnh: Ngọc Thắng

Hỗ trợ vẫn xa vời

Gói cứu trợ thuế 29.000 tỉ đồng bao gồm giãn thuế VAT, miễn thuế thu nhập DN, miễn thuế thu nhập cá nhân bậc 1... để tăng sức mua, hỗ trợ DN, đúng như dự báo chỉ như muối bỏ biển. Các DN hầu như không cảm nhận được sự tiếp sức này. Bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Á thẳng thắn nói, gói hỗ trợ thuế, hay cứu trợ gì đó, DN có được gì đâu mà hỏi. Họ bảo giúp DN vừa và nhỏ, tôi cũng có DN vừa và nhỏ nhưng có được hỗ trợ gì đâu. Giãn thuế VAT thì giãn xong rồi mấy tháng cũng phải nộp. Còn thuế thu nhập, DN làm gì có lãi mà miễn. Cũng theo bà Loan, ngân hàng (NH) hô hào hạ lãi suất (LS), cơ cấu lại nợ nhưng thực tế DN không vay được: “Nói LS 13%/năm nhưng chúng tôi vẫn vay 17-18%, ngoài lãi còn có phí. DN tự cứu mình thôi”, bà Loan ngao ngán.

Ông Trần Chí Gia - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP may Meko có trụ sở tại KCN Trà Nóc (Cần Thơ) cũng thừa nhận, thuế như "một cái gì đó" mãi ở đằng xa, DN không với tới. “Chúng tôi không trông chờ gì vào gói hỗ trợ vì thực tế có hàng trăm nghìn DN mà chỉ có mấy nghìn tỉ đồng. DN phải có doanh thu, lợi nhuận thì mới có giá trị, đằng này đang khó khăn như thế thì chẳng thấm vào đâu cả. Điều chúng tôi mong muốn là giải phóng hàng tồn kho, tìm hợp đồng, thị trường, đơn hàng”, ông Gia đề xuất.

 

Vấn đề cấp bách hiện nay là giải phóng hàng tồn kho để cứu các DN. Với một đất nước 85 triệu dân, không thiếu sức mua, vấn đề ở chỗ biện pháp nào để kích thích tiêu dùng trong nước

 TS Lê Đình n

TS Lê Đình n, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho rằng, con số hỗ trợ thuế vừa qua quá ít, quá nhỏ, không tương xứng với khó khăn của DN. Theo chuyên gia này phải tăng thêm tiền hỗ trợ, giảm thuế thu nhập hiện đang ở mức 25% xuống. Vì ở các nước, thuế suất chỉ khoảng 15%, mức 25% ở VN là quá cao. Ngoài ra, phải phân bổ thuế cho từng nhóm ngành, không cào bằng. Như bất động sản thuế suất có thể từ 25-30%, còn nông lâm thủy sản, lương thực phải giảm xuống.

Việc chỉ định 5 NH cho vay hỗ trợ LS giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông - thủy sản của NHNN cũng hạn chế việc tiếp cận sự hỗ trợ của DN. Theo các chuyên gia, việc này đã không thực sự tạo sự công bằng cho các đối tượng được hỗ trợ. Bởi không phải DN nào, hộ sản xuất nào cũng quan hệ tín dụng với 5 NH này trong khi hệ thống có 37 NH thương mại, 5 quốc doanh. Nghịch lý là, nhóm G14 chiếm tới 90% thị phần mà NHNN không cho tất cả tham gia để mọi đối tượng đều được hỗ trợ một cách bình đẳng nhất.

Giải phóng hàng tồn

Ông n cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay là giải phóng hàng tồn kho để cứu các DN. Với một đất nước 85 triệu dân, không thiếu sức mua, vấn đề ở chỗ biện pháp nào để kích thích tiêu dùng trong nước. Trong khi, chính sách vừa qua được làm quá manh mún, hời hợt. “Chúng ta đi tổ chức hội chợ thương mại hàng chất lượng cao tại các đô thị, TP lớn thì chỉ có số ít ỏi người thu nhập cao mua được, vì hàng đó là hàng giá cao. Trong khi các khu vực nông thôn, vùng núi, huyện, xã và các KCN gồm những người dân nghèo, công nhân lao động thì không thấy hội chợ, không thấy bán hàng giá rẻ”, TS n nói.

Để đẩy được hàng tồn, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư khẳng định, cần phải hỗ trợ mạnh hơn cho xuất khẩu. Ông tỏ ra bức xúc khi mà suốt những năm qua công tác quy hoạch, kế hoạch lôm côm, DN đi tìm kiếm thị trường được chăng hay chớ khiến hàng hóa chất lượng thấp, không cạnh tranh được, đơn hàng bập bõm, kinh tế khó khăn là bị mất hết hợp đồng, đối tác. Nguyên nhân do nhà nước thiếu định hướng, thiếu quy hoạch và dự báo kém khiến hàng hóa làm ra cầu vượt cung, lúc khó khăn bị chất đống trong kho không xuất khẩu được. Người nông dân sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi cũng chẳng khá hơn gì bởi sự thiếu định hướng này. “Ai khổ hơn người nông dân sản xuất khi mà họ chỉ biết trồng trọt, chăn nuôi. Thấy dừa lên giá thì trồng dừa, mất giá thì chặt hàng loạt. Nhà nước phải quy hoạch, phải có kế hoạch giúp đỡ họ trồng gì, nuôi gì thì cung mới đáp ứng đủ cầu, người nông dân đỡ rơi vào cảnh tắm bằng nước dừa”, ông nói.

Ngoài ra, cần phải hỗ trợ giá, giảm mạnh LS các khoản vay để giảm giá thành hàng hóa. Đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu, các mặt hàng chủ lực của Việt Nam. “Nhà nước nên giảm mức LS cho vay về mức thấp nhất 0% hoặc chỉ vài %, hỗ trợ cho các DN có điều kiện giảm được giá bán, giải quyết hàng tồn”, TS Doanh kiến nghị thêm.

Ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Thép Việt: Quan trọng nhấtlà tạo cầu

 

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay phải là tạo cầu bằng nhiều các chính sách khác nhau. Đơn cử như ngành thép cần thị trường để tiêu thụ hàng tồn kho cho DN, có thể thông qua biện pháp tập trung vốn, giải ngân các dự án trọng điểm, để tạo nguồn cầu tiêu thụ cho mặt hàng thép.

NHNN đã có động thái hạ LS khá mạnh, nhưng thực tế các DN nhỏ không tiếp cận được. Ngoài ra, DN trong nước đang phải cạnh tranh rất lớn với hàng nhập, với DN FDI... Để cứu DN lúc này, quan trọng nhất vẫn là kích cầu, khơi thông đầu ra cho sản phẩm của DN, tiếp theo là LS rẻ và dễ tiếp cận hơn.

Bà Đặng Phương Dung - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may VN (VITAS): Tháo gỡ khó khăn đầu vào

Kích thích tiêu dùng cứu doanh nghiệp 

Gói 29.000 tỉ đồng tập trung chủ yếu vào gia hạn thuế, chậm nộp thuế cho các DN nhỏ và vừa. Như năm ngoái 2011, DN có lãi một phần, nên chính sách giãn thuế thu nhập DN được dùng để bù đắp cho việc tăng lương của công nhân, giải quyết một phần khó khăn cho DN. Nhưng năm nay các DN đang rất khó khăn rồi, khả năng nộp thuế được rất hiếm, vì đa phần DN lỗ, nên giải pháp này không giải quyết được vấn đề.

Thứ hai, khó khăn lớn với nhiều DN sản xuất hiện nay, trong đó có ngành may mặc là chi phí đầu vào như lương công nhân, điện, nước đều tăng, làm tăng giá thành, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm. Ngay như thuế bảo vệ môi trường đánh vào túi ni lông (chiếm 5% giá thành sản phẩm dệt may) dù bất cập, nhưng cũng chưa có hướng giải quyết hỗ trợ cho các DN. Tháo gỡ khó khăn cho DN phải là gỡ ngay từ đầu vào, trước mắt hạn chế việc tăng giá mọi chi phí đầu vào không cần thiết.

Mai Hà (ghi)

Ông Nguyễn Hữu Quang -Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Giải ngân nhanh vốn đầu tư 6 tháng cuối năm

Kích thích tiêu dùng cứu doanh nghiệp 

Việc quan trọng nhất của DN hiện nay là vấn đề tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tức đầu ra cho sản phẩm. Các chính sách vĩ mô lâu nay có phần tạo ra những nhu cầu giả tạo, thí dụ nhu cầu về bất động sản, về chứng khoán...

Cung dựa trên cầu giả tạo thì đến một lúc nào đó sẽ dẫn đến khủng hoảng. Nên cần có cơ chế, chính sách phù hợp để tạo ra cầu tiêu dùng một cách thực sự. 6 tháng đầu năm nay, việc giải ngân trong tổng số 225.000 tỉ đồng đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ cho năm 2012 cũng mới chỉ đạt gần 80.000 tỉ đồng (chỉ hơn 1/3 vốn dự kiến) do quy trình, thủ tục giải ngân chậm, tiền bơm vào lưu thông ít có dẫn tới hàng tồn kho tăng lên.

Việc giải quyết, tháo gỡ các nguyên nhân gây chậm trễ giải ngân, thúc đẩy giải ngân nhanh nguồn vốn cho đầu tư phát triển này trong 6 tháng cuối năm sẽ góp phần khơi thông nguồn vốn, làm cho bức tranh kinh tế sẽ sáng sủa hơn.

Bảo Cầm (ghi)

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM: Hỗ trợ trực tiếp DN vay vốn

Kích thích tiêu dùng cứu doanh nghiệp 

Hiện nay chúng tôi đang triển khai hình thức hỗ trợ trực tiếp đến DN vay vốn. Các DN gửi yêu cầu về vốn cho Hội DN trẻ, UBND quận, NHNN...

Yêu cầu này sẽ ngay lập tức được chuyển đến cho khoảng 5 NH thương mại trên địa bàn như Vietinbank chi nhánh TP.HCM, BIDV TP.HCM, Đông Á, Sacombank, Phương Đông, Vietcombank TP.HCM. Hoặc các DN gửi trực tiếp về các NH này. Mô hình này đang được thực hiện trên địa bàn Q.Tân Bình và đầu tuần tới 11 DN ký hợp đồng tín dụng với NH để vay 60 tỉ đồng.

Tuy nhiên việc nguồn vốn của DN chỉ là một vấn đề, các vấn đề còn lại là đầu ra của DN. Do đó cần có chính sách kích cầu tiêu dùng, các chính sách hỗ trợ phá băng trên thị trường bất động sản để từ đó nguồn vốn chảy ra lưu thông.

T.Xuân (ghi)

 

Ông Diệp Thành Kiệt - Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN Đàm phán các hiệp định thương mại cho xuất khẩu

Kích thích tiêu dùng cứu doanh nghiệp 

Trong ngắn hạn làm sao để khôi phục sức mua là điều quan trọng nhất. Nhưng dài hạn, đối với các DN xuất khẩu, ai có lợi thế thì người đó sẽ cạnh tranh được, nhất là trong thời điểm khó khăn chung hiện nay.

Ví dụ nếu chúng ta có những hiệp định thương mại với các nước thì hàng hóa xuất khẩu đi sẽ được thuận lợi hơn, không bị nhiều rào cản kỹ thuật. Thế nhưng hiện nay VN chưa có nhiều hiệp định thương mại song phương này, ngay cả đối với những thị trường chính trong xuất khẩu của VN như Mỹ, châu u. Do đó hàng hóa của chúng ta rất dễ đối diện với việc bị kiện chống bán phá giá, bị áp thuế cao...

Chúng ta phải xây nhà cho thoáng để DN đủ sức cạnh tranh chứ không bị chèn ép trong một cái nhà bé tí tẹo và không đủ dưỡng khí.

Mai Phương (ghi)

Cần có NH xuất nhập khẩu đúng nghĩa

Theo TS Lê Đình n, đã đến lúc Chính phủ cần phải có cách ứng xử “nhiệt tình” hơn với xuất khẩu, phải thành lập một NH xuất nhập khẩu mang đúng nghĩa của nó.

Tại nhiều nước, nhờ có NH này hỗ trợ nên hàng hóa của DN có chi phí rẻ hơn, giá thành thấp hơn VN như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. NH này thể hiện vai trò hỗ trợ về vốn, LS theo định hướng của Chính phủ; làm cầu nối, xúc tiến các thị trường xuất khẩu, phát triển thị trường cũ cho các DN; thực thi chính sách vĩ mô của Chính phủ, định hướng xuất khẩu theo kế hoạch.

“Không thể như hiện nay, hàng chục NH ai cũng làm xuất nhập khẩu, mà chỉ có nghiệp vụ tài trợ, chứ không hỗ trợ gì đáng kể. Các DN phải vay với LS thị trường rất cao, tự bơi tìm kiếm thị trường mới. Trong khi Trung Quốc hỗ trợ cho DN xuất khẩu LS 0%, hàng hóa hết sức rẻ, cạnh tranh được. NH xuất nhập khẩu này sẽ hỗ trợ DN mạnh dạn đổi mới công nghệ sản xuất hiện đại, thì hàng hóa mới chất lượng, giảm giá thành, giảm chi phí, bớt nhân công, bớt lao động, bớt làm thủ công để tăng sức cạnh tranh”, TS n kiến nghị.

Anh Vũ

>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 2: Thay đổi mô hình tăng trưởng
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 3: Gấp rút khơi thông tín dụng
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 4: Cắt "sở hữu chéo" trị nợ xấu
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 5: Quyết liệt tạo kênh dẫn vốn dài hạn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.