'Tít mù, vòng quanh' với cây trồng

05/09/2017 11:06 GMT+7

Vài năm trước, nhiều hộ nông dân đốn cà phê trồng tiêu. Nay giá tiêu hạt tuột dốc không phanh, cây tiêu bệnh chết hàng loạt thì họ lại đổ xô trồng chanh dây, bơ và quay lại... cà phê.

Hàng ngàn nông dân Tây nguyên mới lên cơn sốt hồ tiêu với giá cao ngất ngưởng, đến 220.000 đồng/kg, đã bị tạt gáo nước lạnh khi giá xuống còn 80.000 - 90.000 đồng/kg. Rồi nhiều vườn tiêu bị bệnh chết rụi khiến nông dân lâm cảnh trắng tay. Họ đã chuyển mục tiêu sang các loại cây khác như bơ, chanh dây, nghệ.
Anh Xuân, một nông dân ở xã Ia Hla, H.Chư Pưh (Gia Lai), nói: “Vùng này ngày trước ước cả trăm héc ta hồ tiêu nhưng rồi cây cứ bị bệnh chết dần. Bà con đã chuyển sang trồng các loại cây khác. Tôi trồng hơn 300 cây chanh dây, đầu tư hơn 100 triệu đồng nhưng mới thu được chưa đến 20 triệu đồng. Chanh dây bị bệnh, đã nhổ bớt nhưng vẫn lây lan sang các cây khác. Giá chanh dây loại tốt từ 25.000 đồng/kg lúc cao điểm nay chỉ còn chưa đến 17.000 đồng/kg. Chắc phải nhổ bỏ trồng cây khác. Tôi cũng trồng thêm vài sào nghệ, nếu giá như năm trước 7.000 đồng/kg thì còn tạm được”.
Quay lại với cây cà phê
Giá cà phê nhân xô hiện dao động khoảng 44.000 - 45.000 đồng/kg. Đây là năm thứ hai giá cà phê có xu hướng tăng trở lại khiến hàng ngàn nông dân ở Tây nguyên quay lại với cây trồng này. Hiện giá giống cà phê ươm một năm từ 15.000 - 17.000 đồng/cây; cà phê mới ươm hai cặp lá giá lên đến hơn 3.000 đồng/cây. Anh Nguyễn Văn Hải, một chủ vườn ươm ở H.Đăk Đoa (Gia Lai), cho biết: “Giá cà phê giống năm nay tăng gần gấp đôi. Năm trước tôi ươm hơn chục ngàn cây giống ra không ai ngó ngàng tới. Năm nay đã bán ra hơn 20.000 cây giống nhưng vẫn thiếu”.
Nhiều vườn cà phê đã mọc lên trên những diện tích trước đây trồng tiêu. Anh Nguyễn Văn Hoài ở xã Đăk Smei, H.Đăk Đoa, cho biết vừa mua hơn 3.000 cây cà phê để trồng vào rẫy. “Định trồng tiêu nhưng giá tiêu rớt quá. Thôi thì trồng cà phê, làm khéo thì vẫn có lời. So với tiêu, tuy lời ít hơn nhưng đầu tư và rủi ro cũng ít hơn”, anh Hoài nói.
Phập phồng nỗi lo hồ tiêu
Trong khi đó, hồ tiêu VN đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Theo quy hoạch của Bộ NN-PTNT, diện tích hồ tiêu cả nước đến năm 2020, định hướng năm 2030 sẽ trong khoảng 50.000 ha. Song chỉ mới đến năm 2016, diện tích cây trồng này đã tăng lên khoảng 130.000 ha. Nhiều vùng đất không trồng được hồ tiêu nhưng vì thấy giá tiêu tăng nên nông dân đã bất chấp khuyến cáo, mở rộng diện tích khiến vườn cây bị bệnh, bị chết.
Năm 2016, xuất khẩu hồ tiêu của VN đạt 177.000 tấn, kim ngạch 1,42 tỉ USD, tăng 34,3% khối lượng và 12,9% về giá trị. Theo thông tin từ Bộ Công thương, hồ tiêu vẫn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN với kim ngạch dự kiến đạt 1,6 tỉ USD. Thực tế 8 tháng qua, xuất khẩu hồ tiêu của VN đã đạt hơn 167.000 tấn, nhưng kim ngạch chỉ đạt 900 triệu USD.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cho biết: “Sản lượng, năng suất tăng nhưng nhu cầu không tăng thì giá giảm là tất yếu”. Theo ông Bính, nhu cầu của thế giới hiện cần khoảng 327.000 tấn tiêu/năm nhưng sản lượng đã tăng lên đến 460.000 tấn/năm. “Tôi nghĩ giá hồ tiêu trong vòng 5 năm trở lại sẽ khó tăng mạnh lại”, ông Bính nhận định. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo nông dân không nên phá bỏ hồ tiêu hoặc phát triển hồ tiêu thì cần cân nhắc kỹ; có thể chọn giải pháp trồng xen canh một nửa hồ tiêu, nửa cà phê trên cùng một diện tích và nên chọn giống cà phê chống chịu bệnh tốt.
“Mình chỉ khuyến cáo”
Trong khi nông dân loay hoay với cây trồng, đầu ra nông sản, thì cơ quan quản lý địa phương cũng chỉ biết… khuyến cáo.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai, nói: “Hồ tiêu rớt giá quá. Cà phê đang đà tăng giá. Một số loại cây trồng khác như bơ, nghệ… cũng được người dân tìm trồng. Đất là của dân, mình chỉ khuyến cáo. Diện tích trồng mới cà phê chủ yếu là trồng trên đất cũ chứ không mở rộng thêm diện tích trồng mới. Thị trường nông sản luôn bấp bênh. Nông dân cần tìm hiểu kỹ đầu ra cho sản phẩm, chọn giống tốt ở những cơ sở uy tín để tránh thiệt hại. Hiện chúng tôi vẫn chưa có con số thống kê chính xác về diện tích cà phê trồng mới”.
Bát nháo thị trường tiêu giống
Thời gian gần đây, ở H.Chư Sê (Gia Lai) xuất hiện nhiều điểm bán tiêu giống với lời quảng cáo miệng là giống Vĩnh Linh, Lộc Ninh, Bình Phước hay giống “ngoại nhập” từ Sri Lanka, Ấn Độ. Những giống tiêu này được người bán quảng cáo là sạch bệnh, năng suất cao, giá 4.000 - 15.000 đồng/dây, tiêu “ngoại nhập” giá 30.000 - 60.000 đồng/dây. Đây là thời điểm trồng tiêu nên hoạt động bán buôn diễn ra khá nhộn nhịp. Nhiều điểm bán tiêu giống khác cũng cho những thông tin tương tự khi chúng tôi đến tìm hiểu. Họ đều nhập tiêu giống từ nơi khác, sau đó lựa chọn lại để bán với những giá khác nhau.
Thực tế đã có nhiều nông dân tiền mất tật mang khi mua phải giống tiêu kém chất lượng. Anh Nguyễn Văn Minh ở xã Đăk Smei, H.Đăk Đoa (Gia Lai) mua 3.000 bầu tiêu ở một vườn ươm trên địa bàn về trồng. Trong vòng một tháng, số tiêu này chết gần hết. Sau khi đi hỏi thì nhiều người có kinh nghiệm cho biết anh mua phải tiêu bị phun quá nhiều thuốc kích thích sinh trưởng nên khả năng sống thấp.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng NN-PTNT H.Chư Sê, thông tin: “Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra các điểm bán tiêu giống trên địa bàn, phát hiện 4/17 cơ sở không có giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, để ngăn chặn thị trường tiêu giống tự do là khó”. Còn ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển hồ tiêu, thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên, khuyến cáo: “Hiện chưa có bộ tiêu chuẩn về giống hồ tiêu. Bà con mua tiêu nên mua tại các vườn ươm có uy tín, được cấp phép hoặc đến tận vườn kiểm tra để tránh mua phải tiêu bệnh, kém chất lượng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.