Tôi xin là một “tín đồ”

15/04/2007 23:37 GMT+7

Ai cũng biết, có những khoảng cách nhiều khi khắc nghiệt giữa ý tưởng và hiện thực. Nhưng với sự sáng tạo, với những tạo dựng trước đó chưa từng có, thì nếu thiếu ý tưởng, làm sao có hiện thực? Nhiều khi khoảng cách càng xa, quá trình hiện thực hóa ý tưởng càng khó khăn, thì khi ý tưởng trở thành hiện thực, giá trị độc sáng của nó càng cao, sức thu hút của nó càng ghê gớm. Tôi muốn nói đến ý tưởng xây dựng một "thiên đường cà phê Đắk Lắk" mà anh Đặng Lê Nguyên Vũ -ông chủ của "Cà phê Trung Nguyên" vừa khởi xướng và đã được tỉnh Đắk Lắk ủng hộ hết mình.

Cà phê là một loại thực phẩm đặc biệt, dường như nó ở giữa vật chất và tinh thần. Uống cà phê cũng đặc biệt, không chỉ người ta uống vì nghiện cà phê, mà còn uống vì nghiện cái... không khí uống cà phê. Với nhiều "tín đồ cà phê", đó còn là nghiện hương thơm lãng đãng của hạt cà phê rang xay thấm trong không khí. Nhất là về buổi sớm. Nếu chúng ta nói WTO là sân chơi thương mại thế giới, internet là "siêu xa lộ" kết nối toàn thế giới, văn học nghệ thuật là tiếng nói của một người đến với toàn nhân loại, thì cà phê chính là một "chất dẫn" rất riêng đầy bí ẩn tạo ra một từ trường vừa hiện thực vừa mờ ảo. Từ trường ấy có thể bao trùm lên cả WTO, internet và... văn học nghệ thuật. Nó góp phần tạo dựng những gương mặt văn hóa từ nhiều vùng đất khác nhau trên trái đất, nó cũng chính là văn hóa. Khi sang Paris, tôi đã ngồi "Café de Flore" tọa lạc ở 172 đại lộ Saint-Germain để uống một ly cà phê đắt gấp đôi ở quán khác. Đơn giản, vì đây là "Café de Flore", là "Café de Jean-Paul Sartre" - nơi nhà văn vĩ đại của nước Pháp và thế giới trong thế kỷ 20 ngồi... uống cà phê mỗi ngày và viết Les chemins de la liberté (Những ngả đường tự do). Cách đây mấy ngày, nhân có việc vào Sài Gòn, tôi đã đến ngồi cà phê Givral với vài người bạn. Lý do ngồi cà phê ở đây cũng đơn giản: đây từng là "bản doanh" của nhà tình báo chiến lược, nhà báo tài ba Phạm Xuân Ẩn trong suốt những năm chiến tranh chống Mỹ. Ông từng được gọi vui là "tướng Givral". Hâm mộ một con người vừa bí ẩn (như tên của ông) vừa vĩ đại như thế bằng cách ngồi uống cà phê ở cái quán ông từng ngồi và... tác nghiệp, hỏi còn gì thú vị hơn?

Vì vậy, nghe thông tin về ý tưởng xây dựng tại Đắk Lắk một "thiên đường cà phê", tôi đã hết sức vui mừng. Tôi cho đây là ý tưởng hoàn toàn khả thi, và nếu thực hiện thì nên thực hiện một cách hoàn hảo, ở một tầm văn hóa cao, thể hiện một phong cách kinh doanh vừa hiện đại vừa có chiều sâu lịch sử, vừa Đắk Lắk vừa "toàn thế giới". Đúng như bản chất và sức lan tỏa của cà phê nói chung, của cà phê Đắk Lắk nói riêng. Riêng và chung, trong chung có riêng, riêng ẩn chứa chung, nhân loại còn phải được thưởng thức cà phê dưới nhiều chiều kích, nhiều hương vị rất khác nhau như thế.

T.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.