Tổng thống Mỹ kế tiếp có thể 'đón' suy thoái kinh tế

20/06/2016 11:59 GMT+7

Người kế nhiệm Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Theo CNN, Mỹ đang quá hạn cho một cuộc khủng hoảng kinh tế. Nước này vừa có bảy năm tăng trưởng cho đến thời điểm này, trong khi chu kỳ mở rộng trung bình của nền kinh tế từ cuối Thế chiến thứ hai đến nay là 5 năm, theo Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ.
Không ai biết chính xác khi nào kinh tế Mỹ đến đoạn suy thoái kế tiếp. Dự đoán điều này hệt như cố gắng báo trước tình hình thị trường chứng khoán: nói thì dễ nhưng chưa chắc đúng. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều chuyên gia cho rằng kinh tế Mỹ sẽ suy yếu vào năm 2017 hoặc 2018 - ngay khi bà Hillary Clinton, ông Donald Trump hay Gary Johnson cố gắng thúc đẩy chương trình nghị sự lớn của mình.
“Tôi nghĩ rằng cuối năm 2017, đầu năm 2018 là thời điểm hoàn toàn có thể cho một cuộc suy thoái. Tất cả chỉ số có vẻ như xếp hàng đến khung thời gian đó”, giám đốc đầu tư Brad McMillan của hãng Commonwealth Financial nhận định.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng lo lắng như giới chuyên gia. Chủ tịch John Engler của Hội nghị Bàn tròn Kinh doanh cho hay: “Chúng tôi cho rằng nền kinh tế sắp tới sẽ tương đối yếu. Tổng thống tiếp theo sẽ cần một kế hoạch tức thời”.
Tin tốt là cuộc suy thoái kinh tế Mỹ tiếp theo không đến mức như Đại suy thoái. Nếu tổng thống Mỹ và quốc hội kế tiếp có hành động thích hợp, đợt suy giảm chỉ ở lại trong ngắn hạn. Cộng đồng doanh nghiệp hiện đẩy mạnh cải cách thuế và nhập cư.
“Chúng tôi thực sự cần chính sách sâu sắc về những vấn đề này”, CEO Doug Oberhelman của hãng Caterpillar, người cũng là Chủ tịch Hội nghị Bàn tròn Kinh doanh, nói.
Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, đảng Dân chủ có xu hướng ủng hộ chính phủ chi tiêu nhiều hơn. Cụ thể, chính phủ sẽ can thiệp trong một thời gian, chi tiêu nhiều hơn vì doanh nghiệp và người tiêu dùng thường không có nhiều tiền mặt và niềm tin. Bà Clinton đã đề xuất sáng kiến chi tiêu cơ sở hạ tầng lớn trong thời gian qua. Sáng kiến này được các nhà kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp chào đón.
Đảng Cộng hòa lại có xu hướng ủng hộ chuyện cắt giảm thuế để người tiêu dùng và doanh nghiệp có nhiều tiền hơn. Họ kỳ vọng doanh nghiệp, người tiêu dùng sẽ chi tiêu lần nữa. Ông Trump đã đề xuất khoản giảm thuế cho cả cá nhân và doanh nghiệp. Phát kiến này nhận được nhiều đánh giá trái chiều vì nó quá lớn, song các doanh nghiệp và lãnh đạo Quốc hội tin rằng họ có thể thương lượng với tỉ phú bất động sản.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính và thời kỳ Đại suy thoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - ngân hàng trung ương Mỹ - từng ra tay giải cứu nền kinh tế. Chuyện này có thể sẽ không xảy ra lần nữa vì Fed đang cận kề việc “hết đạn dược” để chống suy thoái. Lãi suất hiện vẫn ở mức cực kỳ thấp so với các tiêu chuẩn trong lịch sử, chỉ từ 0,25% đến 0,5%. Thông thường, Fed sẽ hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng nhưng hiện thời thì họ không thể giảm nhiều.
Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ có thể sẽ phải đóng vai trò lớn hơn trong cuộc suy thoái tiếp theo, đặc biệt là trong trường hợp khủng hoảng chạm ngõ vào năm 2017 hay 2018, trước khi Fed kịp bổ sung các bộ công cụ của họ.
Kinh tế Mỹ đang phục hồi chậm. Nước này thường tăng trưởng 3% mỗi năm nhưng kể từ Đại suy thoái, nền kinh tế chật vật để tăng trưởng nhiều hơn 2% mỗi năm. Vì thế, cử tri Mỹ có thêm một vấn đề để suy nghĩ khi bỏ phiếu bầu tổng thống: Ứng viên nào tôi tin tưởng rằng sẽ chỉ đạo tốt nền kinh tế đi qua cơn bão?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.