TPP khiến nhà đầu tư bỏ Trung Quốc sang Việt Nam

10/12/2015 15:45 GMT+7

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa có báo cáo dự đoán TPP sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ đối với Trung Quốc do các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang các quốc gia thành viên là Việt Nam, Malaysia.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa có báo cáo dự đoán TPP sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ đối với Trung Quốc do các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang các quốc gia thành viên là Việt Nam, Malaysia.

TPP có thể khiến nhà đầu tư thế giới chuyển hướng sang Việt Nam - Ảnh: Reuters  TPP có thể khiến nhà đầu tư thế giới chuyển hướng sang Việt Nam - Ảnh: Reuters

Hãng tin Kyodo News (Nhật Bản) trích dẫn báo cáo Hội nhập Kinh tế châu Á 2015 của ADB công bố hôm 8.12 cho biết Trung Quốc “dự kiến sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh trực tiếp từ một vài thành viên TPP vốn đang cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ của nước này”.

“Điều này có lẽ sẽ làm gia tăng nguồn vốn đầu tư vào dòng sản phẩm đòi hỏi nhân công giá rẻ, chẳng hạn như dệt may và giày dép, đối với các thành viên TPP như Malaysia và Việt Nam”, theo báo cáo của ADB.

Một vấn đề nữa mà Trung Quốc có thể phải đối mặt là nguy cơ các luồng giao thương bị chuyển hướng khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào các nước TPP chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch của nước này.

“Mặc dù TPP đang tạo ra cơ hội thương mại và đầu tư mới, vẫn có khả năng phát sinh tình trạng chuyển hướng đầu tư và kinh doanh, tùy thuộc vào các yêu cầu quy định trong TPP”, ADB phân tích.

Ngoài ra, TPP còn có thể gây tổn hại cho chuỗi giá trị (value chain) của khu vực, cũng như của thế giới, vì Trung Quốc, Hàn Quốc và các nền kinh tế đóng vai trò quan trọng trong hệ thống sản xuất hiện hữu tại châu Á không ký kết hiệp định thương mại tự do này.

Về lâu dài, TPP sẽ tạo ra tác động như thế nào còn phụ thuộc vào khả năng liệu các nền kinh tế nằm ngoài khối này tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc, có tham gia vào hay không, theo ADB.

Được soạn bởi chuyên gia kinh tế Duy Thượng Tiến của ADB, báo cáo nói trên còn kêu gọi các nước châu Á nâng cấp các đặc khu kinh tế vì chúng “có thể đóng vai trò xúc tác trong quá trình phát triển kinh tế” tại thời điểm cả khu vực đang bị suy thoái về tăng trưởng thương mại và kinh tế.

TPP được xem là thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử nhân loại, giúp giảm thuế xuất nhập khẩu, cũng như các loại bảo hộ thương mại tại 12 quốc gia thành viên. Các nước này hiện chiếm đến khoảng 40% tỷ trọng kinh tế toàn cầu.

Các thành viên TPP gồm Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.