Triều Tiên bị ảnh hưởng ra sao bởi lệnh trừng phạt mới?

26/12/2017 16:33 GMT+7

Các biện pháp trừng phạt mới nhất của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên dường như chỉ tác động đến đời sống người dân nước này hơn là hạn chế tốc độ phát triển vũ khí hạt nhân của chế độ ông Kim Jong-un.

Theo Bloomberg, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 22.12 nhất trí thông qua các lệnh trừng phạt mới nhằm vào nền kinh tế của Triều Tiên, sau khi nước này thực hiện đợt phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa hồi tháng trước. Lệnh cấm mới bao gồm việc hạn chế gần 90% sản phẩm lọc hóa dầu xuất khẩu sang quốc gia Đông Á kể từ tháng 1.2018, đồng thời yêu cầu Triều Tiên phải đưa toàn bộ lao động của mình ở nước ngoài về nước.
Tuy nhiên, ông Paul Musgrave, trợ lý giáo sư tại Đại học Massachusetts, nhận định rằng lệnh trừng phạt mới “có thể tác động đến các ngành không liên quan mật thiết đến sự tồn tại của chế độ ông Kim Jong-un, không ngăn cản được nước này tiếp tục tiến hành chương trình hạt nhân và người chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất lại chính là dân thường”.
Trong khi Bình Nhưỡng vẫn có khả năng duy trì được nguồn cung nhiên liệu đủ dùng cho mục đích riêng, phần lớn người dân sẽ phải vật lộn nhiều hơn trong một nền kinh tế đang phải chịu áp lực từ nhiều hướng. Theo ông Hong Kang Chel, cựu cảnh sát biên phòng Triều Tiên, người đã trốn sang Hàn Quốc vào năm 2013, các biện pháp trừng phạt nhiều khả năng sẽ tạo ra sự oán giận trong lòng mỗi người dân nước này, làm sâu sắc thêm thái độ chống lại chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Triều Tiên hôm 24.12 gọi biện pháp chế tài mới là “hành động chiến tranh” và thề sẽ đáp trả.
“Việc cắt giảm nguồn cung cấp dầu sẽ chỉ làm cho người Triều Tiên giận dữ chống lại Mỹ vì họ phải làm việc cực khổ bằng tay nhiều hơn tại các trang trại”, ông Hong nói.
Liên Hiệp Quốc mới đây cho biết, bất chấp lệnh trừng phạt, Triều Tiên vẫn đang bán than đá và các hàng hóa bị cấm khác “thông qua hoạt động hàng hải lừa đảo”, đồng thời nhận nhiên liệu qua các chuyến hàng từ tàu chở dầu trên biển, tránh các cơ sở hạ tầng trên đất liền. Theo tờ Yomiuri của Nhật Bản, quốc gia khép kín nhất thế giới đã áp dụng các phương pháp này thường xuyên hơn, sử dụng cả tàu thuyền của nước khác bao gồm Trung Quốc. Bộ Tài chính Mỹ tháng trước xác định Công ty Thương mại Kumbyol của Triều Tiên đã cố gắng chuyển hàng, nghi là dầu mỏ, từ tàu này qua tàu khác ở trên biển.
Để chấm dứt tình trạng này, Liên Hiệp Quốc nói rằng các quốc gia có thể bắt giữ, kiểm tra hoặc tịch thu bất kỳ tàu nào trong cảng nếu có cơ sở xác định các tàu này đang vận chuyển các mặt hàng bị cấm. Zhao Tong, thành viên trong Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie - Tsinghua tại Bắc Kinh, chỉ ra rằng biện pháp này chỉ mới cho phép các nước thành viên Liên Hiệp Quốc kiểm tra, bắt giữ tàu Triều Tiên trong lãnh hải của mình. Trong khi đó, Mỹ sẽ không thể kiểm tra các tàu hàng đáng nghi trong lãnh hải của Nga hay Trung Quốc.
Hơn nữa, theo Musgrave và Peter Hayes, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu An ninh và Bền vững Nautilus, ngay cả khi được theo dõi bằng vệ tinh hoặc các phương tiện giám sát tiên tiến khác, thì việc ngăn chặn các tàu này cũng không hề đơn giản. “Với khả năng viễn thám của Mỹ, việc giám sát có lẽ sẽ không khó khăn. Nhưng để kiểm tra, bắt giữ lại là cả một vấn đề”, ông Musgrave nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.