Trồng mè cho lợi nhuận gấp 10 lần lúa

12/07/2013 01:40 GMT+7

Ngày 11.7, tại TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), Bộ NN-PTNT phối hợp Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại Nam bộ”.

Theo ông Nguyễn Văn Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, trong bối cảnh giá lúa bấp bênh như hiện nay, việc giảm lúa, chuyển đổi cây trồng là nhu cầu bức thiết của khu vực ĐBSCL nói riêng và Nam bộ nói chung. Đồng Tháp đã chuyển đổi gieo trồng gần 30.000 ha cây màu, nhiều nhất là bắp, đậu nành, mè... Tại Cần Thơ, diện tích đất trồng cây nông nghiệp ngắn ngày là 4.995 ha, tăng 626 ha so với năm 2012; trong đó diện tích trồng mè là 4.843 ha... Nông dân canh tác trồng 2 vụ lúa, 1 vụ mè thu nhập tăng thêm từ 5 - 16 triệu đồng/ha so với canh tác 3 vụ lúa liên tục... Còn ở Đồng Tháp, lợi nhuận cao nhất là cây mè 25,3 triệu đồng/ha, thấp nhất là cây lúa 2,45 triệu đồng/ha.

Ông Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, nhận định ĐBSCL có thể phát triển trồng cây bắp và đậu nành rất tốt nhưng hiện chỉ trồng lẻ tẻ. Cụ thể, tỉnh An Giang trồng trên 1.000 ha bắp, các tỉnh còn lại rất ít. Ông Dư tính toán, nhu cầu thức ăn thủy hải sản, gia súc đang cần 1,7 triệu tấn bắp/năm, do thiếu nguyên liệu chế biến nên mỗi năm phải nhập khẩu từ 1,5 - 1,6 triệu tấn bắp hạt, 2,4 triệu tấn khô dầu đậu nành... trị giá gần 3 tỉ USD, tương đương với tổng kim ngạch xuất khẩu gạo. Trước tình hình đó, theo ông Dư, đến năm 2020 cả nước sẽ nâng sản lượng bắp hạt từ 6 triệu tấn lên 7,5 triệu tấn, vùng thâm canh bắp có thể đạt đến 150.000 ha, còn với đậu nành khoảng 350.000 ha, tương đương 700.000 tấn.

Ông Huỳnh Minh Đoàn, Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng nên có chính sách bảo hộ cho người dân khi họ thay đổi cơ cấu cây trồng, nhà nước nên có chính sách đảm bảo giá cả tiêu thụ cho nông dân để họ có lãi...

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đề nghị các địa phương rà soát, xác định vùng nào có điều kiện tự nhiên phù hợp với từng loại giống để đưa ra cơ cấu giống cho phù hợp, tránh tình trạng trồng manh mún, lẻ tẻ, khó cho thu hoạch, tiêu thụ; các viện, trường cần nghiên cứu các loại giống cây trồng tốt. Cục Trồng trọt tập hợp ý kiến các địa phương và hoàn thiện đề án phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020 trình Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phê duyệt.

Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.