Trung Quốc, Ấn Độ đang xoay chuyển cuộc chơi trên thị trường năng lượng

29/03/2016 09:33 GMT+7

Cuộc khủng hoảng giá dầu kéo theo một số thay đổi lớn. Hai cường quốc kinh tế châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc đang tận dụng tình hình dư cung để viết lại các quy tắc lâu đời của thị trường dầu mỏ.

Cuộc khủng hoảng giá dầu kéo theo một số thay đổi lớn. Hai cường quốc kinh tế châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc đang tận dụng tình hình dư cung để viết lại các quy tắc lâu đời của thị trường dầu mỏ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - Ảnh: ReutersChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - Ảnh: Reuters
Ấn Độ và Trung Quốc chứng kiến mức tăng trưởng nhu cầu dầu thô theo cấp số nhân trong 25 năm qua. Hai nước châu Á tiêu thụ tổng cộng 16% lượng dầu thế giới, chỉ sau Mỹ với mức tiêu thụ 20%. Giới phân tích cho biết đến năm 2040, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi sức tiêu thụ của họ, lên đến 30%.
Số liệu trên đây có khả năng thay đổi luật chơi của thị trường toàn cầu và các nhà sản xuất dầu chính hiện cố gắng thâm nhập vào hai lãnh thổ này.
Hồi đầu thế kỷ 21, Nga cung cấp khoảng 7% tổng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc, thấp hơn so với mức 20% mà Ả Rập Xê Út bơm cho nước này. Tuy vậy, Nga bốn lần vượt qua Ả Rập Xê Út để trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Đại lục trong năm 2015. Bốn lần là con số quan trọng vì năm ngoái, Ả Rập Xê Út chỉ bị tuột vị trí dẫn đầu 6 lần, theo số liệu từ hãng RBC Capital.
Chuyên gia Gao Jian thuộc công ty tư vấn năng lượng SCI International từng nói trên kênh Bloomberg: “Ả Rập Xê Út đang dần mất ngôi vương vì giá bán dầu của nước này ở châu Á không đủ hấp dẫn”.
Mặt khác, các tuyến đường thương mại đang thành hình và nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đang dần từ bỏ nhiều hợp đồng lâu năm với các nước bạn ở Trung Đông, nơi mua dầu ưu thích của quốc gia Nam Á. Nigeria đã vượt qua Ả Rập Xê Út để trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Ấn Độ trong năm qua, theo Reuters.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều sử dụng kích thước nền kinh tế để hưởng nhiều thương vụ tốt, và phía các nhà cung cấp thì sẵn sàng chấp thuận vì dầu thô đang dư thừa.
Ấn Độ nhập khẩu 80% lượng dầu đất nước này cần và dưới thời Thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi, đất nước Nam Á dần hướng đến an ninh năng lượng. “Nếu chúng ta muốn tiến gần hơn đến việc tự chủ năng lượng, chúng ta phải tìm mua các doanh nghiệp nước ngoài”, Sudhir Vasudeva, cựu chủ tịch kiêm giám đốc quản lý hãng khai thác dầu quốc doanh Ấn Độ Oil & Natural Gas cho biết.
Người Ấn tiến về Siberia, Nga. Ở đây, ba công ty Ấn Độ sẽ mua 29,9% cổ phần hãng Taas-Yuriakh Neftegazodobycha và 23,9% cổ phần hãng Vankorneft. Oil & Natural Gas còn nhận thêm 11% cổ phần trong hãng Vankorneft từ tay ông lớn dầu khí Rosneft của Nga.
Dù dầu Siberia đang được bơm đến các khu vực lân cận, song Ấn Độ có thể quyết định vận chuyển chúng về các nhà máy lọc dầu trong nước, bán trên thị trường mở hoặc dùng để trao đổi với các loại dầu bán ở nơi khác.
“Các thị trường dầu châu Á đang trong giai đoạn nhộn nhịp”, giám đốc quản lý Owain Johnson của hãng Dubai Mercantile Exchange nói với hãng tin Reuters. Giám đốc dầu thô Oystein Berentsen tại công ty Strong Petroleum ở Singapore thì cho hay: “Các hãng dầu khí Trung Quốc đã trở thành những ông lớn mới trong kinh doanh xăng dầu”. Trung Quốc hiện có kế hoạch khiến dầu giao tương lai ở Thượng Hải có tầm quan trọng lớn hơn trong việc định giá dầu thô.
Trung Quốc và Ấn Độ hiện sử dụng tình hình giá cả lao dốc và dư cung toàn cầu làm lợi thế. Quan hệ đối tác mới đang hình thành và làm suy yếu quyền lực của các nước xuất khẩu dầu truyền thống. Mỗi cuộc khủng hoảng xảy ra đều kéo theo sự thay đổi, và cuộc khủng hoảng giá dầu giờ đây đang chuyển quyền lực từ tay nhóm nước cung cấp sang nhóm nước tiêu thụ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.