Trung Quốc đổi chiến thuật đối phó chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ

18/02/2017 12:20 GMT+7

Bằng cách chuyển mình từ “Made in China”, hay sản xuất ở Trung Quốc, thành “Made by China for China”, hay sản xuất và tiêu thụ nội địa, Đại lục có thể hạn chế tác động từ chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ.

Theo Bloomberg, hiện Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất lớn nhất thế giới nhưng hầu hết những gì nước này làm ra là cho thị trường quốc nội. Phần lớn hàng hóa mà người dân Trung Quốc tiêu thụ cũng là hàng “Made in China”.
Hai sự thật kể trên có thể phá hỏng bất cứ đợt tấn công thương mại nào của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà kinh tế trưởng Diana Choyleva tại hãng Enodo Economics nói. Trung Quốc vẫn còn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, song “phần lớn giá trị gia tăng thực sự được thiết kế cho thị trường nội địa Trung Quốc hơn là cho thị trường nước ngoài”, bà Choyleva viết trong một báo cáo.
Năm 2011, gần 1/4 tổng giá trị gia tăng mà ngành sản xuất Trung Quốc có được gắn chặt với thị trường nước ngoài, giảm 5 điểm phần trăm so với năm 2008, theo số liệu gần nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Dù một số lĩnh vực sản xuất như điện tử, dệt may vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu nước ngoài, đa số các ngành khác không phụ thuộc vào nhu cầu nước ngoài. Biểu đồ dưới đây của hãng Enodo thể hiện rõ điều này.
Giá trị gia tăng của đa số các ngành trong kinh tế Trung Quốc ít phụ thuộc vào thị trường nước ngoài Bloomberg

Cùng lúc, hàng nhập khẩu trong tổng lượng hàng ở Trung Quốc hiện chỉ chiếm 10% tiêu dùng. Vì thế dù Mỹ có thể giảm nhập khẩu từ Trung Quốc bằng chủ nghĩa bảo hộ, nước này khó có khả năng xuất khẩu thêm đến Đại lục, trừ khi tập trung vào ngành dịch vụ, chuyên gia Choyleva nhận định.
Bắc Kinh cũng hi vọng sản xuất được nhiều hơn các thành phần cần thiết để tạo nên sản phẩm cuối cùng, dù là sản phẩm đó được tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu. Bà Choyleva cho hay chương trình “Made in China 2025” mới có mục tiêu nâng mức độ nội địa của các mặt hàng, nguyên liệu cốt lõi lên 40% năm 2020 và 70% năm 2025. Bà viết: “Bắc Kinh muốn biến đổi “Made in China” thành “Made by China” với mục đích giảm tính dễ tổn thương trước các biến động trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.