Trung Quốc ép các chuyên gia, nhà báo tô hồng triển vọng kinh tế

05/05/2016 12:43 GMT+7

Các chuyên gia, các nhà phân tích và nhà báo viết về kinh tế có những nhận định u ám về nền kinh tế Trung Quốc đều bị yêu cầu phải khai thác những thông tin lạc quan do chính quyền cung cấp.

The Wall Street Journal (Mỹ) cho biết chính phủ Trung Quốc đã cảnh cáo bằng miệng đối với những nhà kinh tế học, chuyên gia phân tích và nhà báo rằng các nhận định kinh tế u ám của họ là “đi chệch” với những tuyên bố lạc quan của chính phủ.
Đây là cách Bắc Kinh cố gắng tái kiểm soát tình hình, sau khi những chủ trương sai lầm đã dẫn đến việc bán tống bán tháo trên thị trường chứng khoán và tiền tệ Trung Quốc hồi năm ngoái, khiến các nhà đầu tư nghi ngờ khả năng của chính phủ trong việc điều chỉnh sự lao dốc khó kìm của nền kinh tế.
Theo The Wall Street Journal lãnh đạo Trung Quốc nỗ lực chế ngự những quan ngại ngày càng tăng về triển vọng kinh tế quốc gia, vào lúc nền kinh tế thứ hai thế giới trải qua một sự suy giảm tăng trưởng kéo dài.
The Wall Street Journal dẫn các nguồn tin cho biết bà Lin Caiyi, lãnh đạo Công ty Guotai Junan Securities Co, đã bị cảnh cáo hai lần vì nói thẳng về chuyện nợ công tăng, sự dư thừa nhà ở và nhân dân tệ mất giá. Bà Lin cho biết bà được yêu cầu "hạ giọng"  khi bình luận về nhân dân tệ. Bà kể tại một diễn đàn kinh tế do Trường đại học Phúc Đán (Thượng Hải) tổ chức hồi tháng 10.2015: “Các nhà quản lý yêu cầu tôi không bình luận về nhân dân tệ nên tôi chỉ nói về việc mua USD”.
Từ việc bị các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán gây sức ép mạnh, chuyên viên phân tích ở các công ty môi giới bắt đầu e dè phát ra những thông tin nhạy cảm về các công ty niêm yết.
Trong khi đó, ít nhất một tổ chức nghiên cứu được chỉ đạo "không được gieo sự nghi ngờ một chương trình cấp chính phủ nhằm giúp các công ty nhà nước giảm nợ", theo The Wall Street Journal.
Hai tháng qua, lãnh đạo Trung Quốc liên tục bàn việc vực dậy nền kinh tế, nhằm trấn an thị trường toàn cầu. Nhưng sự chỉ đạo kiểm soát rủi ro này lại kiềm chế thông tin về nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới từ đó đào sâu sự lo ngại của các nhà đầu tư vốn đã nghi ngờ độ tín nhiệm của những tuyên bố, số liệu chính thức do chính phủ Trung Quốc ban hành.
Hồi đầu năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm 3 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc là Nhân dân nhật báo, Tân Hoa xã và Đài truyền hình Trung ương. Ông đã yêu cầu 3 đơn vị này cần “đưa thông tin tốt của nước ta” và đề cao tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thế giới.
Theo The Wall Street Journal, chỉ đạo của ông Tập khiến các nhà báo Trung Quốc phải tránh xa các chủ đề nhạy cảm, phải sản xuất những câu chuyện tích cực về nền kinh tế quốc gia.
Một biên tập viên cấp cao của một cơ quan báo chí nhà nước, đề nghị giấu tên tuổi và cơ quan làm việc của ông, cho The Wall Street Journal biết một đồng nghiệp bị yêu cầu "xin nghỉ phép", sau khi ban biên tập nhận xét bài điều tra nguyên nhân thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ hồi năm ngoái của người này là “quá hăng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.