Trung Quốc 'siết' nhập khẩu vàng, giá vàng sẽ thế nào

Thanh Xuân
Thanh Xuân
16/08/2019 17:33 GMT+7

Trung Quốc là một trong những nước nhập khẩu vàng lớn trên thế giới nên chính sách siết nhập khẩu mặt hàng này sẽ tác động phần nào đến giá vàng thế giới.

Ngăn ngoại tệ chảy ra khỏi Trung Quốc qua vàng

Trung Quốc đã hạn chế nhập khẩu vàng kể từ tháng 5, lượng vàng nhập khẩu giảm từ 300 - 500 tấn so với năm ngoái, trị giá 15 - 25 tỉ USD. Đây là mức giảm nhiều nhất từ trước đến nay. Động thái này được cho rằng nhằm hạn chế thất thoát USD và hỗ trợ tỷ giá nhân dân tệ (CNY). Năm ngoái Trung Quốc là nhà nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới với lượng mua khoảng 1.500 tấn, tương đương 60 tỉ USD, tương đương 1/3 tổng nguồn cung toàn câu. Nhu cầu vàng trang sức, vàng thỏi, tiền xu vàng của nước này đã tăng gấp ba trong hai thập kỷ qua khi đất nước này giàu lên nhanh chóng. Theo dữ liệu chính thức, trữ lượng vàng của Trung Quốc tăng gấp 5 lần, gần 2.000 tấn.
Việc hạn chế nhập khẩu này được đưa ra khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc leo thang kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống mức tăng chậm nhất trong vòng 3 thập kỷ qua, CNY chịu áp lực và đứng ở mức thấp nhất kể từ năm 2008 trở lại đây. Thực ra, năm 2016, Trung Quốc cũng đã hạn chế việc cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng khi CNY suy yếu. Thời điểm này cũng tương tự. Tính riêng năm 2018, CNY đã suy giảm khoảng 10%. Từ đầu tháng 7.2019, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cho phép CNY giảm giá dưới 7 CNY đổi 1 USD. Động thái tiếp theo như nói trên, nước này đã chính thức siết nhập khẩu vàng để hỗ trợ CNY. 
Hạn chế nhập vàng là cách dễ dàng để Trung Quốc giảm chảy ngoại tệ dù rằng dự trữ ngoại hối của nước này lớn nhất thế giới với 3.100 tỉ USD. Thị trường vàng Trung Quốc cũng không bị ảnh hưởng nhiều khi siết nhập khẩu vàng khi người dân tăng bán vàng chốt lời ở mức giá cao.

Vàng sẽ tăng giá mạnh nếu xảy ra khủng hoảng kinh tế

Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB) nhận xét Trung Quốc là 1 trong 2 nước lớn nhập khẩu vàng trên thế giới nên khi họ ngưng nhập khẩu, vàng sẽ mất đi phần nào sự hỗ trợ tăng giá. Tuy nhiên, lực mua vàng của các nhà đầu tư trên thị trường, đặc biệt là sự mua vào đều đặn của các ngân hàng trung ương châu Âu, Bắc Mỹ… gia tăng dự trữ ngoại hối trong thời gian qua trước những biến động bất ổn địa chính trị trên thế giới sẽ chặn đà giảm sút khi Trung Quốc giảm cầu. Nhờ đó, giá vàng sẽ không giảm bao nhiêu.
Theo ông Trần Thanh Hải, một đồng tiền mạnh hay yếu dựa vào dự trữ ngoại hối, vàng là một trong những lựa chọn của các ngân hàng các nước khi tăng dự trữ ngoại hối. Trong trường hợp Trung Quốc giảm lượng vàng dự trữ ngoại hối, đồng nghĩa gián tiếp làm CNY yếu đi. PBOC đã liên tục phá giá CNY thời gian gần đây để phản đòn việc Mỹ đánh thuế hàng nhập khẩu Trung Quốc và Mỹ đã lên án nước này thao túng tiền tệ. Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất USD, các nước trên thế giới đã giảm lãi suất nội tệ của họ và những lo ngại cuộc chiến tranh thương mại sẽ chuyển sang thành cuộc chiến tranh tiền tệ.
Thế giới đang lo ngại một cuộc suy thoái kinh tế sẽ diễn ra khi xuất hiện dấu hiệu lãi suất trái phiếu của Mỹ kỳ hạn 2 năm cao hơn 10 năm. Đây là lần đầu tiên sau vài chục năm, xảy ra hiện tượng này, nhắc lại thời kỳ khủng hoảng những năm 1997 - 1998 và 2007 - 2008. Trước khi 2 cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn này xảy ra 15 - 20 tháng, lãi suất trái phiếu ngắn hạn có mức cao hơn dài hạn. Khi khủng hoảng xảy ra, ông Hải dự báo giá vàng sẽ tăng vọt lên cao, như giai đoạn từ năm 2008 đến 2011, vàng liên tục tăng và đạt đỉnh vào năm 2011 lên 1.923 USD/ounce.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.