Trưởng đoàn đàm phán TPP Việt Nam nói về 'phút 89' trong đàm phán

07/10/2015 09:10 GMT+7

(TNO) Giữa đêm 6.10, đoàn đàm phán TPP Việt Nam về đến Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán đã trả lời báo chí xoay quanh vấn đề này.

(TNO) Giữa đêm 6.10, đoàn đàm phán TPP Việt Nam về đến Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán đã trả lời báo chí xoay quanh vấn đề này.

 
Hiep-dinh-TPPThứ trưởng Trần Quốc Khánh trả lời phỏng vấn báo chí
* Thưa ông, TPP là hiệp định tiêu chuẩn rất cao, trong khi Việt Nam lại là nước nghèo nhất trong các nước thành viên TPP và năng lực cạnh tranh thấp hơn rất nhiều, sẽ dẫn tới những bất lợi trong cạnh tranh?
Không ngại. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu như tính từ lần đầu tiên chúng ta tham gia vào ASEAN, trong hành trang của chúng ta đã có 20 năm hội nhập kinh tế quốc tế.
Sau đó đến năm 2000, chúng ta ký Hiệp định thương mại song phương với Mỹ, đến năm 2006, gia nhập WTO. Và đến bây giờ, 2015, chúng ta ký Hiệp định TPP. Chúng ta tự tin để bước vào hội nhập.
* Sáng 5.10, có những thông tin còn cho rằng, đàm phán lần này lại đổ vỡ. Đến phút chót, điều gì đã khiến các thành viên TPP có thể đạt được thỏa thuận thống nhất?
Ban đầu, chúng tôi dự kiến đàm phán, giải quyết những khúc mắc trong lần đổ vỡ đàm phán ở Hawaii là 3 ngày. Nhưng cũng vẫn còn nhiều bất đồng. Nhưng đến mùng 2, có thông tin các nước Nhật Bản, Mexico, Mỹ có thể đạt được thỏa thuận với nhau về mặt hàng ô tô cho nên các Bộ trưởng quyết định rời ngày về và kéo dài hội nghị Bộ trưởng thêm 2 ngày nữa. Đến ngày mùng 3, chúng ta nhận được thông tin các nước thỏa thuận được với nhau về vấn đề ô tô. Lúc đó, chúng tôi hiểu rằng, Hiệp định TPP đã rất gần rồi và không một ai muốn rời Atlanta mà không có Hiệp định TPP cả.
Ngày 3.10, xuất hiện lời văn thỏa hiệp về vấn đề bảo hộ dữ liệu cho sinh dược. Đến ngày 4, các nước thống nhất được với nhau về sinh dược. Tới lúc đó, không còn ai muốn rời Alanta nữa. Các Bộ trưởng quyết định gia hạn thêm và tích cực đàm phán, rất khẩn trương để có thể có được kết quả cuối cùng đàm phán về mở cửa thị trường.
Trong đêm đàm phán cuối cùng, chúng ta đã kết thúc được dệt may với Mỹ và Mexico, nửa đêm 4, rạng sáng 5. Sau đó, 3 giờ 30, chúng ta kết thúc đàm phán với Mỹ về quyền sở hữu trí tuệ, đến 4 giờ 30 giờ Atlanta, cuộc đàm phán song phương cuối cùng giữa Mỹ và Nhật Bản kết thúc và TPP kết thúc toàn diện.
* Lợi ích gia nhập TPP thì được nói đến nhiều rồi. Ông có thể nói, thách thức cho nền kinh tế Việt Nam, cho doanh nghiệp Việt Nam khi gia nhập?  
Chúng ta đã có 20 năm hội nhập và chuẩn bị, vì vậy chúng tôi cho rằng chúng ta đủ sức để tiến vào cuộc chơi mới này. Tuy nhiên, cũng có những ngành gặp khó khăn, đặc biệt là nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi. Nhưng ngành chăn nuôi sẽ có ít nhất là 10 năm để chuẩn bị trước khi thuế được hạ về 0%. Chúng tôi rất hy vọng trong thời gian đó chúng ta sẽ nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp, làm sao cho nông nghiệp của chúng ta có sức cạnh tranh lớn hơn nữa để có thể chiến thắng ngay trên sân nhà. Không có lý do gì chúng ta là một nước nông nghiệp, chúng ta lại không chiến thắng về các sản phẩm nông nghiệp.
* Sau khi hội nhập WTO thì sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam không tăng lên bao nhiêu. Thế thì với TPP, cơ sở nào để đặt niềm tin là doanh nghiệp trong nước sẽ trụ được và tăng khả năng cạnh tranh?
Tôi rất khó trả lời câu hỏi này vì mỗi doanh nghiệp nhìn đàm phán TPP dưới một góc độ khác nhau, không thể có một câu trả lời chung cho doanh nghiệp thủy sản hay dệt may, mỗi doanh nghiệp có một câu trả lời khác nhau. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp của chúng ta rất năng động. Nếu các doanh nghiệp xác định được rằng mình tự làm những gì mình có thể làm được trước khi kêu gọi sự giúp đỡ của Nhà nước thì tôi nghĩ với tinh thần đó, các doanh nghiệp của chúng ta chắc chắn sẽ thành công.
* Thưa ông, vai trò của đoàn Việt Nam trong những ngày cuối cùng như thế nào để góp phần là nên sự thành công của TPP?
Chúng ta đã nỗ lực cùng các nước làm nên kết quả các cuộc đàm phán, nỗ lực cùng tất cả các nước làm nên vấn đề đa phương, đó là đóng góp to lớn của đoàn đàm phán Việt Nam, đặc biệt là vai trò của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Bộ trưởng lần này tham gia hội nghị Alanta đã có cuộc gặp rất quan trọng với một số Bộ trưởng như Bộ trưởng Mexico, Mỹ... Trong tất cả các cuộc gặp cấp Bộ trưởng đó, Bộ trưởng Hoàng đã cùng các đối tác của mình xác định, thỏa thuận các nguyên tắc lớn. Dựa trên cơ sở các nguyên tắc lớn đó, chúng tôi mới có thể đàm phán ở phía dưới được.
* Với việc ký kết TPP, Việt Nam sẽ phải sửa đổi luật lệ, thay đổi thể chế như thế nào để phù hợp với “luật chơi”?
Giống như chúng ta ra nhập WTO, TPP là hiệp định tiêu chuẩn cao, trong đó đưa ra các tiêu chuẩn rất cao về minh bạch hóa, về chống tham nhũng, cũng như tạo thuận lợi cho dây truyền cung ứng, điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Đó là sức ép rất lớn bắt buộc các quan chức quản lý nhà nước phải thay đổi tư duy quản lý nhằm lấy lợi ích của người dân, lấy lợi ích của doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ. Đó là sức ép rất lớn đối với bộ máy quản lý hành chính phải vượt qua bằng được.
* Các thành viên TPP kỳ vọng sẽ ký hiệp định chính thức vào thời điểm nào?
Chúng tôi kỳ vọng chính thức ký kết hiệp định vào khoảng cuối tháng 12, hoặc đầu tháng 1.2016.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.