Truy xuất nguồn gốc thịt gà và trứng

04/10/2017 09:13 GMT+7

Ngày 3.10, Sở Công thương TP.HCM tổ chức lễ công bố đề án Quản lý và nhận diện truy xuất thịt, trứng gia cầm.

Đề án hiện đã nhận được sự tham gia của nhiều nhà cung cấp như: Bel Gà, CP, San Hà, 3F Việt, Bình Minh, Vĩnh Thành Đạt, Ba Huân… Với năng lực cung cấp cho thị trường 200.000 con gà/ngày, trong khi TP.HCM có nhu cầu tiêu thụ 150.000 - 180.000 con gà/ngày. Riêng với trứng hiện nay năng lực cung cấp của các đơn vị đạt 2,5 triệu quả trứng/ngày (nhu cầu khoảng 2 triệu quả/ngày). TP.HCM hiện có 1.749 điểm bán thịt gà, trứng gia cầm (gà, vịt) tại các siêu thị và chợ truyền thống.
Sở Công thương TP.HCM đánh giá, đề án nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực từ chi cục chăn nuôi và thú y các tỉnh, thành cũng như các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, các hệ thống phân phối. Việc dán tem, đeo vòng theo dõi có làm tăng chi phí của các doanh nghiệp nhưng không đáng kể. Chính vì vậy nó sẽ không làm tăng giá thịt và trứng gia cầm.
Người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ phần mềm Te Food hay QR code có sẵn trên Zalo. Chỉ cần “quét”, thông tin về loại trứng gia cầm xuất phát từ trang trại nào, giống gà, ngày nở, ngày xuất trại... sẽ hiện ra. Đặc biệt, người dùng còn biết thông tin loại thức ăn nào, loại thuốc nào cho gà sử dụng, ngày sử dụng, ngày nhập vào nhà máy xử lý. Trứng gà trải qua các bước xử lý bằng xông khói ozone đến phân loại, rửa, sấy khô, chiếu tia UV cuối cùng là soi chiếu kiểm tra. Như vậy, so với thịt heo, người tiêu dùng truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn từ lúc gia cầm sinh ra, chăn nuôi, xuất trại, giết mổ, xử lý, đóng gói và phân phối.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các mặt hàng thực phẩm sẽ xác định, nâng cao trách nhiệm và tính tự giác của từng chủ thể tham gia trong chuỗi chăn nuôi, sản xuất và phân phối nông sản, thực phẩm đồng thời làm tiền đề để hỗ trợ tái cơ cấu sản xuất theo hướng văn minh, hiện đại, an toàn. “Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiến tới thực hiện mở rộng việc truy xuất nguồn gốc sang các mặt hàng khác như thịt bò, rau củ quả... để khuyến khích sản xuất sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn, đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP”, ông Hòa cho biết thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.