Tự tạo cơ hội: Làm du lịch bằng lò hủ tiếu truyền thống

23/07/2016 08:30 GMT+7

Nhờ làm du lịch bằng lò hủ tiếu truyền thống, mỗi ngày ông Huỳnh Hữu Hoài ở Cần Thơ thu nhập khoảng 5 triệu đồng.

Nằm bên rạch Rau Răm, lò hủ tiếu của ông Huỳnh Hữu Hoài (Sáu Hoài, 54 tuổi, P.An Bình, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) tồn tại hơn 40 năm nay. Ông cho biết đây là nghề truyền thống của gia đình, được truyền lại từ đời cha ông. Trước đây khu vực này có đến 20 lò hủ tiếu thủ công, nhưng do không cạnh tranh nổi với giá cả hủ tiếu công nghiệp, nên nay chỉ còn lò của ông và lò của một hộ khác trụ lại. “Trước đây, gia đình tôi làm hủ tiếu mềm. Từ khi loại hủ tiếu này không còn được thị trường ưa chuộng, tôi qua Sa Đéc (Đồng Tháp) làm mướn để học nghề làm hủ tiếu bột lọc và duy trì đến ngày nay”, ông Sáu Hoài nói.
Vài năm trở lại đây, Cần Thơ thúc đẩy phát triển loại hình du lịch sinh thái miệt vườn sông nước kết hợp tham quan các làng nghề thủ công truyền thống. Lò hủ tiếu Sáu Hoài có vị trí vô cùng thuận lợi là nằm trên tuyến đường sông tham quan chợ nổi Cái Răng và các vườn du lịch sinh thái ở H.Phong Điền (TP.Cần Thơ). Tận dụng cơ hội này, ông Sáu Hoài quyết tâm đưa nghề làm hủ tiếu truyền thống vào khai thác du lịch. Năm 2013, ông mạnh dạn đầu tư vốn cải tạo lại lò, mở rộng vườn cây ăn trái, xây dựng khu homestay gồm 6 phòng... với tổng diện tích 5.000 m2 để đón khách tham quan.
Ngay từ khi mở cửa, lò hủ tiếu Sáu Hoài đã thu hút du khách bởi cách làm du lịch đúng chất miệt vườn Nam bộ. Khách du lịch, đặc biệt là khách phương Tây bị hấp dẫn bởi cách làm hủ tiếu thủ công. Sau khi nghe thuyết minh, du khách được tận tay tham gia các công đoạn làm hủ tiếu như: tráng bánh, phơi khô, cắt sợi, đóng gói. Ngoài ra, du khách có thể dạo một vòng tham quan nhà vườn, thưởng thức miễn phí các loại trái cây ngay trên cành, thử tài đi cầu khỉ, xem các vật gia bảo nhà họ Huỳnh...
Điều làm nên danh tiếng lò hủ tiếu Sáu Hoài chính là món ăn nửa Tây nửa ta mà du khách nước ngoài đặt tên: “pizza hủ tiếu”. Tác giả món ăn độc đáo này là người con trai lớn của ông Sáu Hoài, học nghề từ một đầu bếp có tiếng ở Sài Gòn. Sợi hủ tiếu được làm thành hình bánh tròn, dẹp rồi đem chiên vàng, rắc lên mặt hành lá xắt nhỏ và xịt thêm tương ớt là đã thành món pizza hủ tiếu vừa giòn vừa thơm. Chưa dừng lại ở đó, lò hủ tiếu Sáu Hoài còn sáng tạo món pizza hủ tiếu có chan nước cốt dừa sữa, thêm thịt khìa, thịt bò hoặc chà bông, ăn kèm với xà lách, rau thơm, dưa leo chấm nước mắm ớt. Du khách đến tham quan lò hủ tiếu Sáu Hoài thường khó “cầm lòng” với món ăn đặc biệt này. Mỗi phần pizza hủ tiếu hiện có giá từ 40.000 - 50.000 đồng.
Mặc dù số lượng khách du lịch đến lò hủ tiếu rất đông, vào dịp cuối tuần, lễ tết có thể lên đến 500 - 600 người, trong đó 2/3 là khách nước ngoài, nhưng ông Sáu Hoài không bán vé vào cửa. “Tôi muốn tạo cho du khách cảm giác thoải mái để họ cảm nhận được tính cách hào sảng của người miền Tây. Khách chỉ cần đến tham quan, biết thêm về nghề làm hủ tiếu truyền thống, sau đó có thể thưởng thức một số món ăn và mua đặc sản mang về”. Ông cho biết với lượng khách trên, mỗi ngày ông thu về từ 4 - 5 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, trung bình một tháng ông có nguồn lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng.
Từ những người chưa từng biết về du lịch, đến nay cả gia đình, họ hàng được ông Sáu Hoài huy động ra phục vụ du khách. Tổng cộng 12 người, trong đó 4 thành viên thông thạo tiếng Anh có thể hướng dẫn khách nước ngoài; các thành viên còn lại hỗ trợ khách các bước làm hủ tiếu, làm bánh, bán hàng thủ công mỹ nghệ...
Lò hủ tiếu Sáu Hoài nổi tiếng suốt mấy chục năm còn nhờ vào chất lượng sợi hủ tiếu dai, mềm do được làm từ bột gạo trộn với bột khoai mì và không chất bảo quản. Trung bình mỗi ngày ông cung cấp ra thị trường từ 250 - 300 kg hủ tiếu với giá 25.000 đồng/kg.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.