Tự tạo cơ hội: Thu nhập cao từ nuôi bồ câu

07/04/2016 06:06 GMT+7

Ông Võ Văn Độ (63 tuổi, ở thôn Phong Niên, xã An Định, H.Tuy An, Phú Yên) đang sở hữu cơ sở nuôi bồ câu với số lượng trên 2.000 con sinh sản.

Ông Võ Văn Độ (63 tuổi, ở thôn Phong Niên, xã An Định, H.Tuy An, Phú Yên) đang sở hữu cơ sở nuôi bồ câu với số lượng trên 2.000 con sinh sản.

Ông Độ cho bồ câu ăn - Ảnh: Tuy An
Ông Độ cho bồ câu ăn - Ảnh: Tuy An
Nhà ông Độ nằm dưới chân một hòn núi, nhà quay mặt ra cánh đồng. Vị trí này tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăn nuôi và trồng trọt. Không giống những người trong làng, ông Độ tận dụng không gian đồi núi sau nhà để đầu tư nuôi chim bồ câu thịt.
Từ chơi đến làm ăn thiệt
Ông Độ kể, cách đây khoảng 20 năm, ông mua mấy cặp chim bồ câu của những người trong xóm về làm chuồng trên triền núi sau nhà nuôi chơi. Thế nhưng, sau đó thấy chim sinh sản nhanh, nên ông không bán chim con mà để lại. Hơn một năm sau, đàn bồ câu của ông tăng lên đáng kể. Và cứ thế, một thời gian sau số lượng bồ câu đã tăng nhanh đến con số ngàn con. Ông đầu tư làm chuồng, trồng cây che mát, tạo không gian xung quanh chuồng thoáng mát nên đàn bồ câu của ông phát triển và sinh sản nhanh.
Loại bồ câu ông Độ nuôi là bồ câu lai Hà Lan, mô hình nuôi thả tự nhiên. Loại chim này dễ nuôi, sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, mức độ rủi ro không nhiều. Ông làm chuồng đơn giản, chủ yếu bằng ván tạp, lợp tôn và xung quanh che kín. Mỗi chuồng có nhiều tầng, nhiều mặt, cửa chuồng được bịt bằng những miếng nhựa, có khoét nhiều lỗ tròn cho chim ra vào.
Cơ sở của ông hiện có đến vài chục lồng, lớn nhỏ đều có. Lồng được gắn trên cây, trên các trụ bê tông, giàn; một số đặt trong nhà có che mái tôn, một số đặt tự nhiên ngoài trời. Mặt đất phía dưới lồng được làm sân cho chim ăn, uống nước. Nguồn nước cho chim uống, ông bơm trực tiếp ở nhà lên, đựng trong nhiều loại vật dụng và thường xuyên thay rửa hằng ngày. Ông Độ cho biết, ba loại thực phẩm chim ăn hiệu quả nhất là gạo lứt, bắp và đậu xanh. Những thực phẩm này ông phải mua số lượng mỗi lần 5 - 7 tấn cho một thứ khi đến mùa về phơi khô để dự trữ trong kho và xay cho chim ăn dần.
Ngoài ra, để đủ chất, chim đẻ liên tục, ông còn bổ sung các thức ăn có chất vôi như vỏ sò, sỏi xay trộn xen cho chim ăn. Ông làm nhà ở cạnh chuồng chim, ngày đêm canh giữ, theo dõi và chăm đàn chim rất kỹ. Cứ như vậy, hơn mười năm nay, mô hình nuôi bồ câu thả rông của ông Độ là một trong những cơ sở nuôi có số lượng chim nhiều và hiệu quả nhất nhì tỉnh Phú Yên.
Thu nhập ổn định
Theo ông Độ, chim bồ câu ăn no đẻ liên tục. Một con mái mỗi lần đẻ 2 trứng, ấp 18 ngày nở. Khi chim con 10 ngày, nếu chưa bắt chim bán thì chim mẹ vẫn đẻ lứa tiếp. Như vậy, nếu cho ăn đầy đủ, 40 ngày mỗi con chim mái cho ra một cặp chim con.
Khi đàn chim đã nhiều, đẻ đều đặn, ông Độ nghĩ ngay đến việc tìm đầu ra. Ban đầu, ông đi bán khắp nơi nhưng lúc chim đã nhiều, con to, chất lượng thịt tốt nên tiếng càng vang xa. Nhiều năm nay, ông đã xuất bán bồ câu ra ràng (loại 2 tuần tuổi) ra ngoài tỉnh, mà nhiều nhất là thị trường Bình Định. Cứ 5 ngày thì có bạn hàng ngoài Bình Định đến nhà bắt chim, giá bán sỉ hiện tại 60.000 đồng/cặp. Ngoài ra, ông còn phân phối đều khắp địa bàn tỉnh Phú Yên.
Với đàn chim hơn 2.000 con, mỗi tháng giá thấp ông có khoảng 500 cặp chim con, sau khi trừ chi phí một nửa, số tiền ông thu nhập từ chim rất cao và ổn định. Nhiều người nhận thấy mô hình này đầu tư ban đầu ít vốn, dễ làm nhưng lại thu nhập ổn định nên đã đến học hỏi cách làm và bước đầu cũng đã thành công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.