Tự tạo cơ hội: Vườn cây trái Nam bộ giữa sỏi đá miền Trung

03/01/2017 06:20 GMT+7

Sở hữu vườn cây trái Nam bộ ở vùng sỏi đá thôn Tú Mỹ, xã Tam Mỹ Tây, H.Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, ông Trần Văn Chung (62 tuổi) biết cách ép cây ra quả trái vụ để có giá cao.

Vườn cây trái của ông cho thu nhập hơn 1 tỉ đồng mỗi năm.
Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại, từng gốc cây trái giống Nam bộ cứ thế nối đuôi nhau trải dài theo triền dốc, ông Chung cho biết để có được những thành công như hôm nay là một quá trình dài với nhiều khó khăn và thử thách. “Ngày trước đây là một vùng đất hoang vu, sỏi đá. Cuộc sống tuy cô độc nhưng mình lại tìm được niềm vui riêng”, ông Chung tâm sự.
Chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp, ông cho biết sau khi xuất ngũ thì làm việc tại địa phương, tiền lương được hưởng theo chế độ trợ cấp nên không đủ cho gia đình bốn miệng ăn. Năm 1992, gia đình ông bán căn nhà dưới đồng bằng để lên khu vực núi Nà Đình (nay là trang trại) mua 8.000 m2 đất lập nghiệp. Ban đầu chủ yếu trồng keo, còn bao nhiêu diện tích, hằng ngày vợ chồng ra sức khai hoang, cải tạo để trồng sắn, mía kiếm thêm thu nhập.
Năm 2003, một dịp vào Bến Tre thăm đồng đội, chứng kiến người bạn sở hữu vườn cây ăn trái cho lợi nhuận cao, ông nảy sinh ý định đem những giống cây này về quê nhà trồng. Để có kinh nghiệm thực tế với cây ăn quả Nam bộ, ông xin ở lại nhà bạn học cách trồng và chăm sóc. Sau gần 6 tháng bám trụ nơi đất khách, khi trở về, hành trang ông mang theo là chút kinh nghiệm và gần 3.000 cây xoài ghép tứ quý Thái Lan (với giá 30.000 đồng/cây). Khi đưa cây giống về trồng, nhiều người cho rằng ông Chung bị “khùng” mới đưa giống cây rất khó thích nghi với khí hậu miền Trung, khó cho quả. Tuy nhiên, hằng ngày ông vẫn cặm cụi chăm sóc vườn cây trái.
Sau hơn 4 năm, những cây xoài bắt đầu cho thu hoạch. Có chút vốn, trong khi diện tích đất còn đang bỏ không, ông Chung tiếp tục đưa thêm giống bưởi da xanh, chanh, quýt Thái, cam, chôm chôm... về trồng nhưng chủ lực vẫn là xoài, các loại cây còn lại chỉ là phụ. Hơn 4.000 gốc xoài ra hoa từ tháng 3 âm lịch và cho thu hoạch vào tháng 7. Mỗi năm ông xuất bán vào thị trường miền Nam gần 100 tấn xoài với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. “Việc đưa trái cây ở Quảng Nam vào Nam tiêu thụ nói ra thì sẽ không ai tin, có người cho rằng đó là một chuyện nghịch lý, nhưng chuyện lạ như thế lại có thật. Khi trái cây của gia đình tôi xuất ra thị trường thì cả nước sẽ không ai có. Các sản phẩm được làm trái vụ nên giá bán rất cao, hầu như năm nào cũng cháy hàng”, ông vui vẻ nói.
Ông Chung chia sẻ thêm cây trái ở miền Trung thường ra hoa vào tháng giêng nhưng xoài của ông thì mãi đến tháng 3 mới ra hoa. Sau khi thu hoạch xong, ông tiến hành bấm cành, rồi cho cây ngủ đông qua hết tháng giêng. Khi cây xoài ra lộc thì ông xử lý lá, tiếp đến là phun thuốc kích bông, đến tháng 3 âm lịch cây xoài sẽ cho ra hoa, đến tháng 7 có thể thu hoạch trái vụ.
“Cách làm này đã ép được cây xoài ra hoa đúng ý mình. Ngoài xoài, tôi đã áp dụng thành công đối với bưởi da xanh, chanh, cam... để chúng ra quả như ý muốn. Có thể nói mình đang ép cây đẻ quả trái vụ”, ông Chung cười hiền. Sau hơn 10 năm gắn bó với giống cây Nam bộ, đến nay trang trại của ông có tổng diện tích gần 15.000 m2. Trong đó có 8.000 m2 trồng xoài, 1.000 m2 bưởi da xanh (300 cây), 1.000 m2 chanh (hơn 100 gốc) và 2.000 m2 trồng khoảng 200 gốc quýt Thái, cam, chôm chôm đan xen nhau.
Bạn đọc muốn học hỏi kinh nghiệm, có thể liên hệ với ông Trần Văn Chung qua số điện thoại: 01648911579.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.