Tỷ giá sẽ lên, xuống hằng ngày

05/01/2016 05:53 GMT+7

Từ năm 2016, tỷ giá sẽ biến động hằng ngày, nhưng vẫn nằm trong tầm quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Trên cơ sở công bố tỷ giá trung tâm, biên độ dao động của tỷ giá vẫn áp dụng là +- 3%.

Đây là khẳng định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại cuộc họp báo thông tin về cách thức điều hành tỷ giá mới.
Lý giải về việc thay đổi chính sách điều hành tỷ giá mới, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho hay những biến động trên thị trường quốc tế ngày càng tác động tới tỷ giá trong nước. Năm 2016 thị trường quốc tế dự báo tiếp tục có biến động lớn như khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất 4 lần; nhân dân tệ có nhiều biến động khó lường... Trong khi đó, VN đã hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới với hàng loạt hiệp định đã được ký kết. Do đó tỷ giá cần điều hành linh hoạt hơn.
Dựa trên 3 chỉ số chính
Thay vì công bố một mức tỷ giá cố định như trước đây, từ nay hằng ngày NHNN công bố tỷ giá trung tâm. Cách tính tỷ giá trung tâm sẽ dựa trên 3 chỉ số chính: sự biến động của một rổ các đồng tiền của các nước đối tác kinh tế chủ chốt của VN, chỉ số phản ánh cung cầu ngoại tệ và các cân đối vĩ mô.


Cơ chế tỷ giá mới biến động linh hoạt hơn sẽ giúp cung cầu ngoại tệ thông suốt hơn, mua bán dễ dàng hơn

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN)

Giải thích thêm về lựa chọn cách tính tỷ giá trung tâm, ông Bùi Quốc Dũng phân tích: “Việc điều hành tỷ giá trên thế giới được chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất có Trung Quốc, dựa vào tỷ giá đóng cửa của phiên hôm trước làm tỷ giá tham chiếu cho ngày hôm sau. Nhược điểm của cách tính này là có thể "làm giá" theo ý chủ quan của tổ chức tín dụng lớn, khiến sự biến động tỷ giá rất mạnh. Nhóm thứ hai là các nước như Singapore, Kuwait… dựa vào tỷ lệ tham chiếu của nhóm đồng tiền trên thị trường tài chính quốc tế. Phương pháp này có ưu điểm là thể hiện sự phản ứng nhanh của thị trường quốc tế nhưng lại phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến thị trường quốc tế nên không phản ánh được cung cầu trong nước. Cách tính của NHNN dung hòa được hai yếu tố này”.
Theo ông Dũng, tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng sẽ chốt vào giờ đóng cửa của phiên hôm trước. Còn thị trường quốc tế, sẽ lấy 7 giờ sáng hằng ngày và chốt vào giao dịch gần nhất lúc 7 giờ công bố trên Reuters. Tỷ giá trung tâm sẽ dựa trên biến động của 8 đồng tiền gồm: USD, EUR, nhân dân tệ, yen Nhật, đô la Singapore, đồng won Hàn Quốc, đô la Đài Loan và đồng baht của Thái Lan. Đây là 8 đồng tiền có tỷ trọng thương mại và đầu tư lớn nhất với VN.
“Cơ chế tỷ giá mới biến động linh hoạt hơn sẽ giúp cung cầu ngoại tệ thông suốt hơn, mua bán dễ dàng hơn. Nếu như trước đây có những giai đoạn tỷ giá rất lặng nhưng khi điều chỉnh, doanh nghiệp có thể thua lỗ. Với cách điều hành mới, tỷ lệ thay đổi sẽ nhỏ hơn rất nhiều”, ông Dũng cho biết.
Thị trường phản ứng thận trọng
Trong ngày đầu áp dụng điều hành cơ chế chính sách tỷ giá mới theo tỷ giá trung tâm, NHNN đã tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng vào đầu ngày thêm 6 đồng/USD so với mức cũ được duy trì trong 4 tháng nay, giá USD lên 21.896 đồng/USD. Cộng với biên độ tỷ giá duy trì ở mức +/- 3%, giá trần và sàn USD trong ngày mà các ngân hàng được phép điều chỉnh “nhích” lên lần lượt là 22.552 đồng/USD và 21.239 đồng/USD. Giá USD trong ngày được các ngân hàng điều chỉnh tăng giá từ 20 - 40 đồng/USD.
Thị trường USD tự do lại phản ứng khá dè chừng khi giao dịch quanh mức 22.650 - 22.670 đồng/USD. Trưởng phòng kinh doanh ngoại tệ một ngân hàng cổ phần cho biết nhu cầu ngoại tệ thị trường ngày 4.1 yếu. Các doanh nghiệp đều có tâm lý nghe ngóng về chính sách tỷ giá mới và chưa có động thái gì cụ thể. Trên thị trường liên ngân hàng, khoảng cách chênh lệch tỷ giá kéo ra xa, giá mua - bán USD là 22.490 - 22.530 đồng/USD. Sau đó tâm lý thị trường được cải thiện, khoảng cách chênh lệch giữa giá mua - giá bán USD rút ngắn còn 22.495 - 22.508 đồng/USD và thị trường thanh khoản hơn.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận xét: “Phương thức thả nổi có quản lý của NHNN rất phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước hiện nay. Với cách thức này cả ba bên, gồm NHNN, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp cần phải bám sát thị trường, tính toán khoa học và có sự điều chỉnh thường xuyên hơn”.
Theo ông, ngoài việc tính toán tỷ giá hằng ngày, NHNN cần phối hợp tốt hơn với Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT để cân đối kinh tế vĩ mô theo hướng có lợi nhất. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa ngoại hối quốc gia, sớm phát triển thị trường chứng khoán phái sinh. Các ngân hàng cũng phải coi việc dự báo, phân tích thị trường là công việc cập nhật thường xuyên và cần nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm. Đối với doanh nghiệp, sẽ điều hành kinh doanh theo cơ chế thị trường nhiều hơn, nhưng cũng là thách thức bởi doanh nghiệp sẽ phải coi việc dự báo, nhận định thị trường, kiểm soát rủi ro là công việc hằng ngày.
Thay đổi bắt kịp theo xu hướng thế giới
TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ VN, phân tích: “Trước đây, tỷ giá cố định 5 - 6 tháng, cũng có khi là 2 - 3 tháng, việc lên xuống không ổn định gây sốc cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu. Thay đổi mới của NHNN bắt kịp theo xu hướng thế giới, cung cầu ngoại tệ biến đổi theo ngày, có tăng, có giảm. Đây là cách thức quản lý mới, tích cực hơn. Điều này rất có lợi cho người kinh doanh ngoại tệ, đỡ bị thiệt. Mặt khác, việc tỷ giá thay đổi theo ngày không tạo ra sự chênh lệch lớn sẽ làm giảm tình trạng đầu cơ kiếm lời”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.