Vàng miếng được mua bán, không được dùng trong thanh toán

21/06/2011 23:54 GMT+7

Dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã giải tỏa tâm lý khi cho phép người dân được mua bán tại các địa điểm được phép. Tuy nhiên theo các chuyên gia, dự thảo tỏ ra hơi chặt về biện pháp hành chính, và NH Nhà nước còn “ôm” quá nhiều việc.

 

Người dân được mua bán vàng miếng tại các địa điểm được cấp phép - Ảnh: A.V

Quản chặt vàng miếng

Dự thảo nghị định sẽ được trình Chính phủ trong vài ngày tới, theo đó các ngân hàng thương mại (NHTM) và DN được phép kinh doanh vàng miếng phải đáp ứng những điều kiện nhất định của NH Nhà nước (NHNN) về vốn điều lệ, địa điểm kinh doanh... Khi hoạt động phải niêm yết công khai về chất lượng, giá mua, giá bán, tuân thủ các quy định của pháp luật về thiết bị đo lường.

Một chuyên gia nguyên là lãnh đạo vụ chức năng của NHNN cho rằng quy định này rất chặt chẽ. Các DN và NHTM muốn được cấp phép phải thỏa mãn đủ 3 điều kiện: doanh thu, vốn điều lệ và mạng lưới chi nhánh. “Khi mà NHNN đã xác định đưa vàng miếng vào dự trữ ngoại hối theo nghị định trên, chắc chắn những điều kiện trên sẽ hết sức khắt khe” - ông này nói.

Cũng theo chuyên gia này, việc quy định số lượng DN tham gia sản xuất, gia công vàng miếng, quy định cá nhân, tổ chức không được dùng vàng miếng để thanh toán trong các giao dịch và sẽ bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự, làm giảm nhu cầu nắm giữ của người dân, tạo điều kiện cho NHNN dễ quản lý và có điều kiện tăng lượng dự trữ ngoại hối bằng vàng miếng.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng việc tăng dự trữ ngoại hối cho NH trung ương bằng vàng miếng là chủ trương hết sức đúng đắn, nhờ đó sẽ nâng cao khả năng can thiệp ổn định thị trường của NH trung ương. Tuy nhiên, cũng cần đưa ra cơ chế rõ ràng hơn để NHNN phải là người mua - người bán cuối cùng phục vụ cho thanh khoản của nền kinh tế.

Ngoài quy định đối với vàng miếng, dự thảo cũng đưa ra điều kiện khá chặt chẽ đối với vàng trang sức, mỹ nghệ. Theo đó, các tổ chức và cá nhân muốn thực hiện hoạt động sản xuất, gia công và mua bán phải thành lập DN và phải được NHNN cấp giấy chứng nhận. Khi xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng từ 20K trở lên phải được NHNN cấp phép, dưới 20K thì không phải xin phép. Việc nhập khẩu được thực hiện theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của DN.

Về hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, dự thảo theo hướng siết chặt hơn. Theo đó, DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ thị trường trong nước và XK sẽ được NHNN xem xét cấp giấy phép NK. DN kinh doanh vàng có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài được cấp phép tạm nhập vàng để tái xuất sản phẩm.

NH Nhà nước “quá” ôm đồm

VÀNG MIẾNG KHÔNG ĐƯỢC DÙNG TRONG THANH TOÁN

Một điểm rất đáng chú ý của dự thảo, các tổ chức và cá nhân sẽ không được sử dụng vàng miếng làm phương tiện thanh toán. Không được mua bán vàng miếng với các đối tượng không có giấy phép kinh doanh, mua bán vàng miếng; cá nhân không được mang vàng từ 20K trở lên vượt mức quy định mà không có giấy phép do NHNN cấp. Tổ chức cá nhân vi phạm tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Góp ý về dự thảo trên, theo giám đốc một công ty vàng tại Hà Nội, NHNN có vẻ hơi vội vàng trong khâu chuẩn bị nên đã không đưa được vào trong dự thảo quy định tác động rất lớn tới thị trường. Đơn cử, việc hình thành Sở Giao dịch vàng quốc gia dù được tới 99% người ủng hộ, tuy nhiên dự thảo nghị định không thấy đề cập, hay như quy định vàng tài khoản cũng chỉ vỏn vẹn có một định nghĩa rất ngắn...

Trong khi đó, một phó tổng giám đốc công ty kinh doanh vàng lo ngại NHNN sẽ bị quá tải khi tập trung tất cả quyền quyết định từ vàng miếng, tới nữ trang, đến vàng nguyên liệu, rồi điều kiện kinh doanh, cơ sở vật chất... “Một DN muốn kinh doanh được đầy đủ vàng miếng, vàng trang sức từ sản xuất, gia công đến kinh doanh phải xin được 6-7 giấy phép. Muốn nhập vàng trang sức, mỹ nghệ trên 20K phải xin phép, trong khi giá vàng liên tục biến động hàng giờ sẽ khiến DN hết sức khó khăn” - vị trên nói, và cũng theo ông, như vậy sẽ khó tạo sự liên thông giá vàng trong nước và thế giới, tạo ra minh bạch, công khai cho thị trường vàng.

Theo các chuyên gia, việc ôm đồm thay cả Bộ Công thương, Bộ Tài chính về cấp phép xuất nhập khẩu, thuế suất... sẽ khiến NHNN khó quản lý được hết.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết trước đây nhiều người ngần ngại khi tham gia thị trường vàng nhưng những quy định trong dự thảo đã phần nào giải tỏa nên họ đã có ý định quay lại. Thế nhưng, thông tin này chưa tác động nhiều đến thị trường vàng trong ngày 21.6 khi giá vàng chỉ tăng thêm 60.000 đồng/lượng so với ngày 20.6. Giá mua bán vàng miếng SJC lên 38,08 triệu - 38,17 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước tăng do giá thế giới tăng 9 USD/ounce (tương đương 220.000 đồng/lượng) so với ngày 20.6, lên 1.545 USD/ounce. Giá trong nước đang thấp hơn giá thế giới 300.000 đồng/lượng.

Thanh Xuân - Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.