Nỗ lực hình thành văn hoá số cho TP đáng sống có nhiều khác biệt

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
08/04/2021 15:19 GMT+7

PV Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở TT-TT TP. Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh (ảnh) để làm rõ hơn câu chuyện Đà Nẵng đang hoàn thiện đề án chuyển đổi số với nỗ lực xây dựng một “thành phố đáng sống” có nhiều khác biệt.. trên nền tảng sẵn có.

PV Thanh Niên phỏng vấn Giám đốc Sở TT-TT TP.Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh (ảnh) để làm rõ hơn vấn đề này.

“Một cửa bất kỳ”

* Thưa ông, với việc bổ sung hàng chục chỉ tiêu so với chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia (QĐ 749/QĐ-TTg), phải chăng Đà Nẵng mong muốn sẽ xây dựng công cuộc CĐS khác biệt và đặc sắc hơn?

- Ông Nguyễn Quang Thanh: Trên cơ sở chương trình CĐS quốc gia và tham khảo khung CĐS các quốc gia, tổ chức thế giới, Đà Nẵng đã xác định khung CĐS của TP với một số điểm khác biệt. Cụ thể, về Chính quyền số, không chỉ bao gồm các cơ quan nhà nước mà còn mở rộng thêm các cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; không chỉ nâng cao chất lượng về dịch vụ hành chính công mà còn dịch vụ sự nghiệp công do các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp (DN) nhà nước trên địa bàn cung cấp liên quan đến đời sống hằng ngày của người dân. Tương tự, về Kinh tế số, TP còn tập trung triển khai trong các lĩnh vực ưu tiên theo NQ 43 của Bộ Chính trị, gồm: du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; hình thành trung tâm tài chính vùng… Với Xã hội số, Đà Nẵng ưu tiên triển khai thêm về an toàn vệ sinh thực phẩm lồng ghép trong lĩnh vực y tế…

* Với việc lấy người dân và DN làm vai trò trung tâm, theo ông Đà Nẵng cần có những bước triển khai tiếp theo như thế nào?

- Tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án đều hướng đến người dân và DN, đặc biệt là giải pháp hướng dẫn, tập huấn kỹ năng số cho người dân. Mục tiêu đến năm 2025, có 90% người dân, DN được tiếp cận chương trình đào tạo kỹ năng số và các quy tắc ứng xử trên môi trường số để sử dụng dịch vụ số, thông tin số; tỷ lệ 95% đến năm 2030. Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ thực hiện minh bạch hóa, tăng cường sự tham gia của người dân và DN vào hoạt động của cơ quan nhà nước; giảm bớt thủ tục hành chính, thay đổi nhận thức từ nền hành chính công “một cửa cố định” đến “một cửa bất kỳ”, mọi lúc, mọi nơi. TP trang bị cho người dân kỹ năng, thói quen sử dụng dịch vụ số và hình thành văn hóa số trong xã hội.

Thu hút “đại bàng” về “làm tổ”

* Để những “ông lớn”, “đại bàng” công nghệ đến “làm tổ”, theo ông Đà Nẵng cần có những chính sách gì để thu hút?

- DN được xác định là trung tâm của CĐS, phát triển kinh tế số. DN công nghệ số được xác định là nhân tố chủ lực, dẫn dắt, hỗ trợ CĐS cho các ngành nghề khác. TP sẽ xây dựng các chính sách, quy định cụ thể về thuế, phí để khuyến khích người dân, DN sử dụng, cung cấp các dịch vụ số. Đà Nẵng cũng sẽ hỗ trợ DN, cá nhân triển khai sandbox (không gian thuận lợi với khung chính sách pháp lý riêng thử nghiệm khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới trong không gian và thời gian giới hạn - PV) để phát triển, thử nghiệm và áp dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số.

Quyền riêng tư và Luật dữ liệu

Trả lời câu hỏi về giải pháp của TP.Đà Nẵng trước những thách thức trong kiểm soát rủi ro dữ liệu, vi phạm quyền riêng tư cá nhân, ông Nguyễn Quang Thanh cho biết TP sẽ triển khai xây dựng Trung tâm Điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) kết nối với Hệ thống Hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn mạng và Hệ thống An ninh mạng phục vụ Chính phủ số của quốc gia. Các dữ liệu mở được mã hóa, mờ hóa để các tổ chức, cá nhân khai thác tạo ra giá trị mới, song phải bảo đảm quyền riêng tư và an toàn. Ngoài ra, TP.Đà Nẵng hoàn thành Hệ thống Trung tâm công nghệ cao, triển khai hiệu quả Hệ thống giám sát thông tin mạng xã hội

Ông Thanh cũng đánh giá việc xây dựng luật về cơ sở dữ liệu (CSDL) là rất cần thiết, tạo cơ sở để chia sẻ tối đa nguồn tài nguyên quan trọng như dữ liệu số.

Cùng với đó, cần sẵn sàng hạ tầng công nghiệp CNTT để thu hút các DN đến đầu tư. Hiện nay, TP có Khu CNTT tập trung Hòa Vang, Khu Công viên phần mềm số 1, Khu phức hợp sản xuất phần mềm FPT Complex và các dự án đang đầu tư như Khu công viên phần mềm số 2, Trung tâm Phần mềm và công nghệ cao Viettel Đà Nẵng, dự án Không gian sáng tạo tại P.Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ), dự án Khu CNTT Đà Nẵng Bay (Q.Liên Chiểu).

* Đà Nẵng có dự tính đến việc hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài và làm sao để không bị “bắt làm con tin”?

- TP xác định quan điểm xuyên suốt trong hợp tác khi xây dựng TP thông minh, CĐS là “Một chính sách - Một hạ tầng - Một nền tảng - Đa đối tác - Đa ứng dụng”. Trong đó, đa đối tác tạo nên sự đồng hành của cộng đồng, tránh được “dò đá qua sông”, “trăm hoa đua nở”, “bị bắt làm con tin” và hạn chế thấp nhất rủi ro trong triển khai.

* Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng cho rằng, TP cần có chế “đặt hàng” để giải những bài toán khó về chuyển đổi số liệu. Ông đánh giá thế nào về ý kiến chỉ đạo này?

- Trong quá trình triển khai xây dựng chính quyền điện tử, TP thông minh thời gian qua, Đà Nẵng cũng đã thực hiện cơ chế “đặt hàng” cho các DN, các tập đoàn công nghệ để đồng hành cùng TP xây dựng và triển khai các ứng dụng CNTT trong công tác điều hành. Việc “đặt hàng” để giải quyết các bài toán khó về CĐS của TP là rất cần thiết. Tuy nhiên, lãnh đạo của các cơ quan, tổ chức phải có quyết tâm và đồng hành để đặt ra mục tiêu, kết quả rõ ràng, cụ thể và phải bố trí, đầu tư nguồn lực thích đáng, xuyên suốt quá trình thực hiện thì mới đem lại hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.