Vì sao chẳng ai tin vào thị trường chứng khoán Trung Quốc?

22/08/2016 19:50 GMT+7

Gần đây, khi cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc cho biết kế hoạch hủy niêm yết hãng Dandong Xintai Electric vì làm sai lệch tài liệu IPO, chẳng mấy ai chú ý. Vì sao lại như thế?

Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm của tác giả Christopher Balding, Giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh HSBC ở Thâm Quyến, người viết quyển Quỹ đầu tư quốc gia: Nút giao thông mới của tiền và quyền.
Xintai là công ty đại chúng đầu tiên bị loại khỏi sàn ChiNext đặt tại trung tâm giao dịch chứng khoán Thâm Quyến vì hành vi vi phạm như trên. Đây cũng là một trong số ít doanh nghiệp bị hủy niêm yết ở Trung Quốc. Động thái đối với Xintai cho thấy giới quản lý chứng khoán Đại lục đang đối mặt vài sự thật đáng tiếc về thị trường vốn Trung Quốc.
Những gì chứng khoán Trung Quốc đang có chỉ hời hợt giống kiểu một thị trường. Ở Trung Quốc, chính phủ đã và đang can thiệp với quy mô lớn nhằm hỗ trợ giá. Đầu tư vào thị trường trái phiếu chuyển hướng nhiều đến các doanh nghiệp nhà nước. Không có thị trường phái sinh. Báo cáo tài chính thường không hợp lý, có nhiều nghi ngờ về giao dịch nội gián và quản trị doanh nghiệp đang lan rộng.
Tất cả là triệu chứng của một căn bệnh phổ biến: hệ thống quản lý không tập trung vào công bố thông tin hay cơ chế thị trường, mà vào định giá tài sản và phân bổ lợi nhuận.
Ở hầu hết quốc gia, khi công ty cân nhắc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), nhà quản lý đòi họ phải công bố những thông tin chính xác rồi để thị trường quyết giá. Tại Trung Quốc, điều ngược lại mới đúng: giới chức thẩm định bảng cân đối tài chính và lịch sử công ty, đặt giá chào bán, sau đó để thị trường tìm ra ai là bên nói dối hay che giấu sự thật.
Kết quả là các nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước đều mất niềm tin vào thị trường Trung Quốc. Tính đến tháng 7, đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Đại lục giảm 60% so với năm trước. MSCI liên tục từ chối thêm chứng khoán Trung Quốc vào bộ chỉ số chuẩn. Ngay cả nhà đầu tư bán lẻ cũng chỉ yên vị băng dự bị: tài khoản đầu tư cá nhân có mức nắm giữ dưới 500.000 USD giảm xuống còn 46,8 triệu USD vào tháng trước, từ mức 47,4 triệu USD hồi tháng 7.2015.
Uy tín sụt giảm ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực trên thị trường. Nhiều ngân hàng thương mại lớn của Trung Quốc được giao dịch với hệ số giá trên lợi nhuận (P/E) khoảng 5, thấp hơn so với mức trung bình là 12 của các nhà băng thương mại những nơi khác, vì giới đầu tư cho rằng danh mục cho vay của họ tệ hơn nhiều. Một liên kết mới nối sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến và Hồng Kông có thể giúp nhà đầu tư ngoại tiếp cận với một số hãng công nghệ phát triển nhanh nhất Đại lục, song họ sẽ tránh xa nếu không tin tưởng vào dữ liệu.
Việc hủy niêm yết Xintai cho thấy cuối cùng, giới chức Đại lục cũng nghiêm túc trước các tác động nguy hại trên thị trường. Song vẫn còn vài thứ họ cần phải giải quyết.
Trước hết là tập trung vào việc tạo ra thị trường chất lượng cao hơn là thiết lập giá chất lượng thấp. Điều này có nghĩa là đầu tiên, họ cần buộc giới doanh nghiệp báo cáo thật về tình hình tài chính. Báo cáo chính xác thì tin xấu sẽ nhiều hơn, dù đó là việc thừa nhận mức nợ không thanh toán được cao thêm hay thừa nhận lợi nhuận giảm. Đối với nhà quản lý, đây là điều không đáng sợ.
Sau đó, Trung Quốc cần cơ chế thị trường hỗ trợ phát hiện, minh bạch giá. Bắc Kinh thường đánh đồng giá cao với một thị trường hoạt động tốt. Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành trung tâm tài chính có sức chi phối nếu các nhà giao dịch không tin rằng sân chơi này bằng phẳng.
Cũng như chuyện giới đầu tư không còn có thể chờ tăng trưởng kinh tế hai chữ số để giải cứu họ khỏi nhiều quyết định sai lầm, Trung Quốc không còn có thể dựa vào giá cổ phiếu tăng mãi để thu hút tiền mới. Nếu động thái mạnh tay với Xintai là một dấu hiệu, nó có thể cho thấy rằng giới chức Đại lục đang đi đến việc chấp nhận thực tế khó chịu về thị trường: Để hoạt động, nó phải có lên, có xuống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.