Vì sao người Đức 'ghiền' tiết kiệm tiền?

Thu Thảo
Thu Thảo
01/04/2018 11:33 GMT+7

Dân Đức từ lâu nổi tiếng là những người tiết kiệm, luôn trích sẵn một phần dành dụm bất kể thời điểm. Song từ đâu mà họ nổi tiếng vì điều này?

Theo trang Quartz, cuộc triển lãm mang tên “Tiết kiệm - Lịch sử của một đức tính Đức” giải thích lý do đằng sau “cơn ghiền” tiết kiệm này.
Hẳn nhiên không phải ai cũng xem thói quen của người Đức là một đức tính tích cực. Tính tằn tiện của người Đức cũng là chuyện cười với không ít người, chính sách tài khóa cứng nhắc của chính phủ nước này cùng thặng dư thương mại khổng lồ cũng khiến Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phải lên tiếng.
Dù vậy, rất dễ để nhận ra dân Đức có xu hướng tiết kiệm, và thói quen này không phải tự dưng mà có. Triển lãm trên chỉ ra rằng hơn 200 năm qua, quảng cáo của ngân hàng và chính phủ không ngừng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền để dành cho tương lai, đặt nền móng cho một thói quen ăn sâu trong tâm lý quốc gia.
Nội dung gửi đi đa dạng từ tích cực cho đến đáng ngại, song cũng đều chung một thông điệp là khuyến khích người dân để dành tiền cho lúc cần kíp, mua trái phiếu để giúp đất nước giữa chiến tranh, mua trái phiếu để giúp kiến thiết đất nước sau hai lần Thế chiến.
Hãy là công dân tốt
Ý tưởng này bắt nguồn từ thời đại khai sáng trong thế kỷ thứ 18 ở châu Âu: một con người có trách nhiệm, đạo đức nên dành dụm tiền để chăm sóc bản thân, gia đình. Tư tưởng này được gieo vào ý thức quốc gia từ đầu thập niên 1800.
Các ngân hàng bắt đầu đến thăm trường học, dạy trẻ em thích tiết kiệm từ sớm. Nhà nước nhanh chóng vào cuộc, giúp số lượng ngân hàng tiết kiệm thành phố bùng nổ vào đầu thế kỷ thứ 19.
“Chính phủ nhanh chóng nhận thấy rằng các ngân hàng tiết kiệm phục vụ cùng lúc nhiều mục tiêu. Thứ nhất, họ có thể giúp ngăn ngừa đói nghèo; thứ hai, họ có thể đảm bảo sự kiểm soát xã hội và cuối cùng, họ phục vụ cho nhu cầu tín dụng thời hậu chiến Napoleon”.
Tiết kiệm bất chấp thời đoạn
Hoạt động tiết kiệm đi cùng nước Đức qua nhiều thời đoạn khó khăn. Người Đức được khuyến khích mua trái phiếu chiến tranh để giúp đất nước trong Thế chiến thứ nhất. Tâm lý tiết kiệm còn vượt qua thời kỳ khắc khổ vì lạm phát thời hậu chiến, đặc biệt là đứng vững sau khi số tiền tiết kiệm gần như bị thổi bay vào năm 1923, khi tiền tệ Đức chỉ còn như mẩu giấy vụn.
Khi Adolf Hitler lên nắm quyền vào năm 1933, ông rỉ vào tai dân Đức rằng tiết kiệm và tằn tiện là trách nhiệm yêu nước, có thể giúp chống “nguồn vốn Do Thái”. Tiết kiệm sau đó tăng vọt, và được dùng để tài trợ cho chiến tranh.
Hậu Thế chiến thứ hai, quảng cáo của ngân hàng bắt đầu thay đổi để phản ánh lối sống cũng đổi thay. Từ những năm 70 trở đi, quảng cáo không còn nói rằng tiết kiệm là nghĩa vụ đạo đức, mà là một thói quen cho phép người ta sở hữu các món đồ hoặc những kỳ nghỉ lễ mơ ước.
Lãi suất thấp? Không sao cả
Đến tận những năm gần đây, lãi suất thấp cũng không làm nao núng cam kết tiết kiệm của dân Đức. Bảo tàng cho biết: “bất chấp siêu lạm phát, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lãi suất thấp kỷ lục, người Đức vẫn liên tục tiết kiệm nhiều trong một thời gian rất dài, hầu như không có dấu hiệu giảm rõ rệt, và rất ít phản ứng bất ngờ trước biến động chính trị, kinh tế”.
Người Đức tiết kiệm bất kể có chuyện gì. Curator Muschalla tả rằng ở Đức, tiết kiệm cũng như chuyện tôn sùng quá mức. Đối với nhiều người, có sẵn tiền trong túi “được xem là mục tiêu phải phấn đấu bằng mọi giá”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.