Vì sao ông Donald Trump là 'mối nguy lớn duy nhất' cho kinh tế thế giới?

14/12/2016 21:32 GMT+7

Quan sát thị trường chứng khoán Mỹ có thể thấy nhà đầu tư rõ ràng tin rằng các chính sách của ông Donald Trump thúc đẩy kinh tế Mỹ ngay lập tức. Song bên ngoài biên giới Mỹ, triển vọng lại ảm đạm hơn nhiều.

Theo CNN, ông Donald Trump sẽ bước vào Nhà Trắng ở thời điểm mà kinh tế thế giới đang chịu căng thẳng sâu sắc: tăng trưởng thương mại trì trệ, Trung Quốc chật vật trong nỗ lực cải cách thương mại và châu Âu rung chuyển bởi các bất ổn chính trị.
Nếu Tổng thống Mỹ đắc cử thực hiện những lời hứa đưa ra trong chiến dịch tranh cử, giới phân tích cho rằng ông có thể khiến nhiều vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Dưới đây là những gì ông Trump có thể tác động lên kinh tế thế giới.
Thương mại yếu hơn
Tám năm trôi qua kể từ khi kinh tế thế giới trải qua khủng hoảng tài chính nhưng nhiều nền kinh tế vẫn đang gặp khó trong chuyện “chữa lành” nhiều vết thương. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu là 3,4% năm 2017. Kinh tế thế giới từng tăng trưởng quanh mức 5% những năm tiền khủng hoảng tài chính. IMF cảnh báo rằng những hạn chế thương mại và nhập cư mà ông Trump ủng hộ sẽ tiếp tục cản đường tăng trưởng toàn cầu.
Ông Trump từng đe dọa sẽ quay lưng với các hiệp định thương mại và áp thuế cao vào hàng hóa Trung Quốc, Mexico. Nếu điều này thành hiện thực, tăng trưởng thế giới sẽ chậm lại còn 2,2% năm 2017 và 2% trong những năm sau, theo Oxford Economics.
“Quay ngược thời gian về mặt thương mại chỉ đào sâu và kéo dài tình thế ảm đạm hiện thời của kinh tế thế giới”, nhà kinh tế trưởng Maurice Obstfeld của IMF cho biết. Các loại thuế quan mới và thương mại toàn cầu yếu hơn cuối cùng sẽ quay lại, tác động đến Mỹ. Đơn cử, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Thế giới (OECD) từng cảnh báo rằng chương trình nghị sự chống thương mại của ông Trump có nguy cơ xóa mức thúc đẩy mà chương trình kích thích tài khóa của ông hỗ trợ kinh tế Mỹ.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s ước tính thuế mà ông Trump áp lên hàng Mexico, Trung Quốc có thể làm tăng trung bình 15% giá hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Chuyên gia Gregory Daco thuộc Oxford Economics nhận định: “Nếu tiếp tục thúc đẩy các chính sách bảo hộ, ông Trump sẽ đặt ra nguy cơ duy nhất lớn nhất với nền kinh tế thế giới”.
Ông Trump từng hứa sẽ đem việc làm từ Trung Quốc về lại Mỹ Shutterstock
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc
Ông Trump vừa dấy lên tranh cãi ngoại giao lớn về câu hỏi chính sách “Một Trung Quốc” và chấp nhận cuộc gọi điện thoại từ lãnh đạo Đài Loan. Lập trường đối đầu đặt ra nguy cơ gây tổn hại đến mối quan hệ thương mại quan trọng nhất thế giới tại thời điểm mà cả hai quốc gia đều đang đối mặt với bất ổn kinh tế.
Ở Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế chậm lại khi Bắc Kinh thực hiện những cải cách được thiết kế để thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, đại tu hệ thống tài chính đất nước. Xuất khẩu Trung Quốc đã giảm song nước này vẫn xuất khẩu 410 tỉ USD hàng hóa đến Mỹ năm 2015. Nếu ông Trump áp mức thuế như đã hứa trong chiến dịch tranh cử, lợi nhuận mà chủ các nhà máy thu được có thể bị xóa sổ.
Tim Wu, người sở hữu một nhà máy sản xuất lon ở Đông Quan (Trung Quốc), cho hay sản phẩm ông bán chỉ đem lại lợi nhuận 10%. “Chuyện này sẽ có tác động rất lớn đến chúng tôi. Giá cả sẽ tăng cao và nếu khách hàng của chúng tôi không chấp nhận nó, chúng tôi không thể sản xuất tiếp tại Trung Quốc. Chúng tôi phải di chuyển nhà máy ra nước ngoài”, ông Wu chia sẻ. Nhà kinh tế Daco ước tính GDP Trung Quốc sẽ chậm lại về ngưỡng thấp hơn 5% nếu Trump tiếp tục thông qua các đề xuất về thuế quan của ông.
Brexit và châu Âu bất ổn
Châu Âu từng hy vọng sẽ có một đồng minh mạnh mẽ ở Nhà Trắng, song ông Trump lại là người cổ vũ cho lá phiếu chọn “rời đi” vốn đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU). Ông Trump thậm chí còn mô tả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là sự kiện “Brexit cộng cộng cộng”.
Trên cương vị tổng thống, ông Trump sẽ có cơ hội gây ảnh hưởng thêm lên tình hình chính trị đã bất ổn của khu vực. Đầu tháng này, các cử tri Ý vừa từ chối cải cách hiến pháp, khiến Thủ tướng Ý sau đó phải từ chức. Đây là sự kiện gia tăng nguy cơ nước Ý có thể ra khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Thêm vào đó, Đức và Pháp đều có hai cuộc bầu cử quan trọng trong năm 2017.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ đắc cử còn từng cam kết từ bỏ hiệp định thương mại giữa Mỹ và EU, thỏa thuận đã nhiều năm có mặt trên bàn đàm phán. Nhiều cường quốc châu Âu giờ cũng đang theo dõi sát quan hệ của ông Trump với Nga. Việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt với Moscow có thể làm nản lòng các đồng minh NATO ở Đông Âu, những nước đang lo lắng về sự “hồi sinh” của Nga.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.