Việt Nam đang phải nhập trên 60% khoai tây để chế biến

13/07/2018 13:31 GMT+7

Sản xuất khoai tây trong nước làm nguyên liệu chế biến hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 30 - 40%, còn lại đang phải nhập khẩu từ nhiều quốc gia.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Như Cường, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tại hội thảo hợp tác với Trung tâm khoai tây quốc tế (CIP) tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ chương trình phát triển nông nghiệp của Bộ NN-PTNT.
Ông Cường cho biết, khoai tây có thể sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao ở vùng khí hậu ôn hòa từ 17 - 22 độ C. Theo đó, vụ đông ở các tỉnh phía Bắc, vùng cao Đà Lạt (Lâm Đồng) là những vùng có lợi thế phát triển cây trồng này. Trong đó, diện tích trồng khoai tây ở miền Bắc đạt khoảng 90 - 95% diện tích sản xuất của cả nước.
Theo khảo sát của Cục Trồng trọt, khoai tây ở Việt Nam hiện nay được tiêu thụ chủ yếu phục vụ ăn tươi ở thị trường nội địa, xuất khẩu lượng nhỏ sang Indonesia. Còn lại từ tháng 6 - 9 hàng năm, Việt Nam thường nhập khẩu khoai tây từ Trung Quốc.
Về hướng chế biến khoai tây, đại diện Cục Trồng trọt cũng chia sẻ thông tin, ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ, dây chuyền chế biến với trị giá hàng chục triệu USD. Nhà máy có công suất lớn nhất đạt sản lượng 180.000 tấn/năm và xu hướng là doanh nghiệp tự xây dựng các vùng trồng nguyên liệu phục vụ chế biến. Tuy nhiên, sản lượng khoai tây trong nước phục vụ chế biến mới chỉ đáp ứng khoảng 30 - 40%, số còn lại đang phải nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau.
Ông Nguyễn Như Cường cũng cho rằng, Việt Nam đang có lợi thế và tiềm năng phát triển ngành trồng khoai tây, khi sản xuất chưa đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. “Hiện nay mỗi 1 ha khoai tây trồng sau 3 tháng thu hoạch, nông dân có doanh thu 110 - 120 triệu đồng không phải là mức thu nhập thấp. Vấn đề còn lại là tổ chức nông dân hình thành các hợp tác xã, liên kết với các doanh nghiệp xây dựng các vùng nguyên liệu trồng khoai tây phục vụ chế biến để tránh lặp lại tình trạng dư thừa như nhiều loại nông sản khác”, ông Cường nói.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có lợi thế lớn về mặt khí hậu để sản xuất khoai tây phục vụ xuất khẩu khi mùa đông ở miền Bắc rất phù hợp để trồng khoai tây trong khi mùa đông ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…không thể trồng được, đây cũng lợi thế và cơ hội hướng đến xuất khẩu.
Cũng theo thông tin từ Cục Trồng trọt, giai đoạn 2013 - 2017, diện tích trồng khoai tây tăng từ 16.700 ha lên 19.000 ha. Nhưng theo đề án Bộ NN-PTNT đang xây dựng, mục tiêu giai đoạn 2018 - 2023 sẽ giữ ổn định diện tích trồng khoai tây trong khoảng 30.000 ha và trong 5 năm tiếp theo sẽ nâng lên khoảng 35.000 - 40.000 ha.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.