Vietnam Airlines đầu tư 'đồ chơi' chục triệu USD cho phi công

21/08/2018 19:07 GMT+7

Được ví von như "món đồ chơi" xa xỉ của giới phi công, Tổ hợp buồng lái mô phỏng máy bay (SIM) đầu tiên của Việt Nam vừa khai trương tại Trung tâm huấn luyện của Vietnam Airlines.

Sáng 21.8, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines (VNA) chính thức khai trương Tổ hợp buồng lái mô phỏng máy bay (SIM) đầu tiên tại Việt Nam, đánh dấu cột mốc vượt bậc trong chiến lược đầu tư đào tạo phi công.
Tổ hợp buồng lái mô phỏng máy bay được đặt tại Trung tâm huấn luyện bay của VNA, gồm 4 thiết bị mô phỏng buồng lái do Vietnam Airlines đầu tư và hợp tác kinh doanh với nhà sản xuất thiết bị mô phỏng buồng lái Canada CAE Inc. (CAE).
Buồng lái mô phỏng máy bay Airbus A350 Lê Nam
Trong đó, có 2 thiết bị dành cho đào tạo phi công đội bay A321, 1 thiết bị mô phỏng buồng lái A350 và 1 thiết bị cho đội bay Boeing 787. Tất cả thiết bị đều được thiết kế theo đúng quy chuẩn quốc tế.
Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên, Giám đốc Công ty Bay Việt (Trường đào tạo phi công, công ty con của VNA) ví von đây là "món đồ chơi" xa xỉ mà chỉ các phi công mới được trải nghiệm. Ước tính loại SIM rẻ nhất có giá khoảng 12 - 14 triệu USD, loại đắt hơn từ 16 - 18 triệu USD. Giá mỗi "lần chơi" thấp nhất khoảng 400 - 500 USD/giờ, cao nhất là 800 USD/giờ. Ông Liên cho biết theo đúng quy trình huấn luyện bay, mỗi phi công 1 năm sẽ phải bay thử nghiệm trong buồng lái mô phỏng ít nhất 2 lần, mỗi lần chia làm 2 buổi, mỗi buổi 4 giờ. Toàn bộ quá trình huấn luyện chuyển loại, thực hành thử nghiêm trên mô hình đối với phi công của VNA là hoàn toàn miễn phí.
Khám phá tổ hợp thiết bị mô phỏng buồng lái máy bay đầu tiên tại Việt Nam
"Không chỉ mô phỏng giống hệt điều kiện bay ngoài hiện thực như thời tiết, sự cố kỹ thuật... những gì phi công trải nghiệm khi bay thử nghiệm trong SIM là những trường hợp xấu nhất, tệ nhất mà con người có thể tưởng tượng ra như cháy máy bay, vỡ máy bay, chết động cơ, sập càng... Qua 28 năm làm "người bay", trường hợp chết máy trên không tôi chưa gặp bao giờ nhưng trải nghiệm tình huống này thì những phi công như tôi đã trải qua hàng nghìn lần trong SIM. Đây là một trong những quy trình quan trọng nhất giúp phi công rèn luyện tất cả kiến thức, kỹ năng, phản xạ... Cuối cùng vẫn là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mỗi chuyến bay" - ông Liên nói.
Thiết bị mô phỏng cho phép phi công thử nghiệm bay trong các điều kiện, tình huống y như hiện thực Lê Nam
Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc VNA cho biết việc xây dựng và thành lập Tổ hợp buồng lái mô phỏng máy bay sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích cho Vietnam Airlines nói riêng và ngành hàng không nói chung trên nhiều phương diện.
Nội địa hóa hoàn toàn công tác huấn luyện chuyển loại phi công của ba dòng máy bay chủ lực sẽ giúp Vietnam Airlines chủ động trong công tác đào tạo, đảm bảo số lượng, chất lượng phi công ở mức cao nhất theo chuẩn quốc tế, đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất về an toàn và chất lượng trong khai thác.
Đồng thời, khi có tổ hợp mô phỏng máy bay trong nước, các phi công sẽ không phải ra nước ngoài thực hiện bay thử nghiệm, tiết kiệm chi phí rất lớn. Ước tính VNA sẽ tiết kiệm được hơn 285 tỉ đồng trong vòng 10 năm từ việc tự đào tạo phi công chuyển loại.
“Việc đầu tư Tổ hợp buồng lái mô phỏng máy bay là minh chứng cho chiến lược của hãng trong việc mang lại một môi trường đào tạo lý tưởng cho các phi công rèn luyện và phát triển. Công nghệ hiện đại cũng cho phép chúng tôi có thể theo dõi, giám sát chặt chẽ chất lượng huấn luyện phi công, đảm bảo tiêu chuẩn cao nhất” - người đứng đầu VNA khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.