Vốn ngân hàng nghẽn đầu ra

09/10/2017 07:47 GMT+7

Doanh nghiệp vẫn khó vay vốn dù ngân hàng không hạn chế, cung - cầu vốn chưa gặp nhau khiến mục tiêu tín dụng năm 2017 khó đạt.

Doanh nghiệp vẫn khó vay
Ngân hàng (NH) không dám cho các doanh nghiệp (DN) và cá nhân chăn nuôi gia cầm vay vốn từ đầu năm đến nay. Đây là thông tin từ ông Âu Thanh Long, Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Duy Cường (Đồng Nai), đồng thời là Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ.


Hiện DN nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số DN hoạt động tại VN, đóng góp khoảng 45% GDP, 31% vào tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu việc làm. Nhưng vẫn còn khoảng 70% trong số này chưa được tiếp cận vốn tín dụng.


Theo ông Long, nguyên nhân là trong năm nay, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn nên nhiều DN bị thua lỗ, giải thể hoặc thu hẹp quy mô. Vì vậy chỉ cần nghe nói chăn nuôi heo, gà... là NH đã từ chối cho vay. Trước đây, Công ty Duy Cường mỗi năm có thể vay khoảng 40 - 50 tỉ đồng; nhưng sau 9 tháng năm 2017, công ty vẫn không vay đồng nào vì đã giảm hơn 30% hoạt động và dự kiến có thể cắt giảm đến 50% hoạt động trong thời gian tới. “Những năm trước, việc chăn nuôi, kinh doanh heo, gà có lời nhiều thì các NH sẵn sàng cho vay. Thế nhưng năm nay thì chịu thua”, ông Long nói.
Tương tự, dù Chính phủ chủ trương thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, nhưng theo ông Lâm Văn Chiểu, Phó giám đốc Công ty TNHH Cường Tân, chuyên sản xuất giống lúa lai F1 hàng đầu VN, cánh đồng mẫu lớn của Cường Tân có mức vốn đầu tư khoảng 60 triệu đồng/ha, song phần lớn đất đai thuê lại của nông dân nên không có giá trị thế chấp để bảo lãnh vay vốn. “Đề nghị NHNN tăng cường kiểm tra, xem xét các DN làm ăn hiệu quả để tăng tỷ lệ cho vay tín chấp, tạo điều kiện cho chúng tôi phát triển hoạt động sản xuất”, ông Chiểu bày tỏ.
Ông Trần Quốc Toản, đại diện Công ty TNHH Toản Xuân, cũng cho biết công ty có chuỗi sản xuất gạo sạch Toản Xuân tại Nam Định, hiện quản lý diện tích trên 500 ha lúa chất lượng cao, mỗi năm cho ra thị trường khoảng 3.000 tấn gạo đủ điều kiện an toàn thực phẩm cao cấp. Ông Toàn mong muốn các NH cần xác định được thực lực các chuỗi sản xuất theo quy trình khép kín công nghệ cao - nông nghiệp sạch; những dự án cho ra sản phẩm được thị trường đón nhận, có sức cạnh tranh tốt. Từ đó, áp dụng chính sách nới lỏng thế chấp cho những DN này.
Còn theo ông Võ Văn Đức Bảy, Phó giám đốc Công ty nhựa Chợ Lớn, đây là thời điểm các DN chuẩn bị tập kết vật tư, nguyên liệu để sản xuất cho cuối năm nên vốn lưu động gia tăng tối thiểu từ 20 - 30%. Tuy nhiên, Nhựa Chợ Lớn vẫn chủ yếu sử dụng nguồn vay từ đối tác, bạn bè vì các điều kiện để hoàn tất hồ sơ vay vốn vẫn còn khó khăn và phức tạp.
Không thể chạy đua cho vay
Trong khi nhiều DN vẫn không vay được vốn thì bản thân hệ thống NH lại cần cho vay. Theo mục tiêu, năm 2017 tăng trưởng tín dụng phải đạt 21 - 22%, nhưng tính đến ngày 20.9, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 11,02%. TS Cấn Văn Lực, chuyên gia NH, nhận xét lãi suất không phải là điểm nghẽn giữa DN và NH mà là thiếu thông tin trao đổi giữa đôi bên.
Trong khi đó, vấn đề bảo lãnh DN nhỏ và vừa (DNNVV) vay vốn chưa được đẩy mạnh và vấn đề nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng chưa được xử lý dứt điểm khiến một số NH chưa thực sự mặn mà cho DN vay. Một phần do quy mô và hiệu quả tín dụng không cao, trong khi rủi ro và chi phí hoạt động lại cao, vì vậy hai bên cung và cầu chưa thể gặp được nhau.
"Nhưng không nhất thiết phải đạt tăng trưởng tín dụng 21% cho năm nay bằng mọi giá. Điều quan trọng của hệ thống NH là tăng trưởng tín dụng phải gắn chặt với chất lượng, đảm bảo khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và hệ số an toàn vốn cũng như năng lực quản lý rủi ro của các tổ chức tín dụng", TS Lực nói.
Tại hội thảo “Giải pháp tín dụng cho DNNVV” cuối tuần trước, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cũng cho rằng một trong những nguyên nhân khiến cung - cầu vốn chưa gặp nhau là do các DNNVV có quy mô nhỏ; vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế; trình độ quản trị kinh doanh còn bất cập; thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, phương án kinh doanh khả thi. Song ông Hùng cũng thừa nhận thủ tục cho vay của các NH còn cần phải cải tiến để tạo sự thông thoáng, thuận lợi hơn. “NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để cải tiến thủ tục vay vốn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa NH và DN”, ông Hùng cho hay.

tin liên quan

Tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn
Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 36/2014 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung tổ chức tín dụng - TCTD). 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.