'Vua' lúa Nhật ở miền Tây

01/01/2018 09:19 GMT+7

Với diện tích 120 ha chuyên canh tác giống lúa Nhật, mỗi năm ông Nguyễn Văn Khanh (Đồng Tháp) thu lợi nhuận trên 6,5 tỉ đồng.

Chú trọng đầu tư khoa học kỹ thuật
Cánh đồng rộng 120 ha của ông Khanh (47 tuổi, ngụ ấp B, xã Phú Cường, H.Tam Nông) nằm giáp ranh 3 xã Phú Cường, Tân Công Sính, Hòa Bình (H.Tam Nông) vừa được gieo trồng vụ đông xuân, hứa hẹn một mùa bội thu tiếp theo. Dành chút thời gian tiếp chúng tôi ngoài đồng, ông Khanh kể về cuộc đời mình. Năm 2005, các anh em của ông được cha mẹ chia cho mỗi người 10 công đất để làm ăn. Nhưng sau khi bàn bạc, tất cả thống nhất gộp chung lại để ông Khanh đứng ra canh tác lúa. Ngay khi bắt tay vào canh tác, ông đã chú trọng đầu tư trang thiết bị, áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm giảm giá thành, tăng lợi nhuận.
Từ số vốn ban đầu hơn 5 tỉ đồng, ông Khanh đầu tư cơ giới hóa, máy móc phục vụ sản xuất trên 80 ha đất canh tác giống lúa OM 4900 và đạt hiệu quả cao ngay năm đầu tiên. Đến năm 2010, ông tích lũy mua thêm 40 ha đất canh tác. Tuy nhiên, sau nhiều năm canh tác giống lúa OM 4900, nhận thấy giống lúa này thường rơi vào tình trạng cung vượt cầu, được mùa thất giá, giá cả bấp bênh nên ông quyết định tìm giống lúa mới có giá trị kinh tế cao hơn.
Lúa Nhật ĐS1 Ảnh: Công Hân
Qua báo đài, ông Khanh biết đến giống lúa Nhật ĐS1 được trồng ở An Giang có ưu điểm ít nhiễm sâu bệnh, thích nghi được đất phèn như Đồng Tháp. Vì vậy, ông đã đến An Giang học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn nhập giống lúa này về canh tác trên diện tích 80 ha, chừa lại 40 ha trồng lúa OM 4900 trong vụ hè thu năm 2012. Vụ đầu tiên, ông Khanh thu hoạch lúa ĐS1 đạt năng suất khoảng 6,2 tấn/ha, có rất nhiều doanh nghiệp đưa phương tiện vào tận ruộng thu mua với giá 6.500 đồng/kg. Thấy hiệu quả kinh tế cao, ông Khanh quyết định chuyển đổi hoàn toàn 120 ha sang trồng lúa Nhật, năng suất dần tăng lên bình quân 10 tấn/ha. Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật nên vụ nào ông cũng thắng lớn. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Khanh thu lãi hơn 6,5 tỉ đồng, trong đó vụ đông xuân lãi cao nhất với khoảng 4,5 tỉ đồng.
Liên kết trồng lúa theo quy trình VietGap
Theo ông Khanh, giống lúa Nhật ĐS1 có thể thích ứng với thổ nhưỡng nhiều vùng miền, ít nhiễm sâu bệnh nên nông dân ít dùng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó chi phí và công chăm sóc ít hơn sản xuất các giống lúa thường. Lúa ĐS1 có hạt nhỏ, tròn và cơm rất dẻo. So với các giống lúa thông dụng, lúa Nhật cho năng suất cao hơn khoảng 1 tấn/ha; đặc biệt giá bán luôn cao hơn từ 1.000 - 1.500 đồng/kg.
Không chỉ sản xuất làm giàu cho gia đình, ông Khanh còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều hộ dân trong vùng chuyển đổi sang trồng lúa Nhật và liên hệ các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con để có thu nhập ổn định. Ông Khanh cho biết đang có kế hoạch liên kết với bà con trồng lúa Nhật theo quy trình VietGap. “Trước mắt, vụ đông xuân 2017 - 2018 tôi dành 8 ha trồng thử nghiệm, nếu kết quả khả quan thì sang vụ tới sẽ mở rộng diện tích lên 60 ha. Bước tiếp theo là dành toàn bộ 120 ha của gia đình để liên kết với 70 ha của các hộ dân lân cận canh tác giống lúa Nhật theo quy trình VietGap nhằm đáp ứng nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp”, ông Khanh nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân H.Tam Nông, cho biết việc sản xuất lúa của ông Khanh có quy mô lớn và áp dụng toàn bộ quy trình cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch nên luôn đạt năng suất và lợi nhuận rất cao. Ngoài ra, ông Khanh còn tạo việc làm ổn định cho 25 lao động với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/tháng; đồng thời đóng góp mỗi năm hàng chục triệu đồng cho các chương trình từ thiện của địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.